Nhiều trường đại học ở Mỹ đang xem xét bỏ chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và Lịch sử do nhận được quá ít hồ sơ, trong khi nhu cầu đối với các ngành khoa học máy tính và STEM lại tăng trưởng hết sức mạnh mẽ.
Đây có lẽ là xu hướng chung trên toàn quốc. Một sinh viên năm cuối tại Đại học Maryland (U-Md) cho biết: các lớp khoa học máy tính (CS) mà cô từng tham dự thường có tới hàng trăm sinh viên đăng ký, trong khi chương trình ngôn ngữ học hay Ba Tư học lại rất kén sinh viên. Cũng theo báo cáo của trường, cả U-Md hiện đang có khoảng 2.400 sinh viên theo học những ngành nhân văn và khai phóng (liberal arts) – so với chỉ riêng khoa học máy tính đã có hơn 3.300 người đăng ký. Đây quả là một sự thay đổi đáng kể so với năm 2010 khi tỷ lệ sinh viên khoa học máy tính/nhân văn khai phóng chỉ là 1/4. Dữ liệu từ Trung tâm National Student Clearinghouse cũng cho biết: số lượng sinh viên Mỹ theo đuổi chương trình cử nhân khoa học máy tính và các nhóm ngành liên quan (hệ 4 năm) đã tăng khoảng 34% trong giai đoạn 2017 – 2022, còn nhu cầu đối với ngành Ngôn ngữ Anh và Lịch sử thì giảm lần lượt 23% và 12%.
Điều này đã góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt giảng viên cùng mối lo ngại về tương lai của những ngành học trên. Một số trường đại học thậm chí còn cân nhắc việc loại bỏ chúng do có quá ít sinh viên đăng ký. Chẳng hạn, ĐH St. Mary's ở tiểu bang Minnesota từ năm ngoái đã thông báo kế hoạch bỏ các ngành thống kê bảo hiểm, nghệ thuật, lịch sử, Ngôn ngữ Anh, kinh doanh quốc tế, âm nhạc, Ngôn ngữ Tây Ban Nha, kịch nghệ và thần học. Tháng Hai năm nay, ĐH Marymount, một cơ sở giáo dục do Công giáo thành lập ở vùng Bắc Virginia, cũng tiếp bước khi thông báo sẽ không duy trì ngành Ngôn ngữ Anh và Lịch sử.
Tuy nhiên, cách làm cực đoan này không phải là hướng tiếp cận mà mọi trường đều lựa chọn. Hiệu trưởng Jennifer King Rice của U-Md khẳng định bà và hội đồng trường sẽ tìm kiếm những giải pháp khác. Mặc dù sự quan tâm ngày càng lớn giành cho khoa học máy tính và các ngành công nghệ là một dấu hiệu tích cực, tuy nhiên chúng ta cũng không thể xem nhẹ và bỏ qua tương lai của những lĩnh vực khai phóng.
Hải Đăng (theo Techspot)