“Đối với từng vùng, cần đầu tư tiềm lực nghiên cứu cơ sở khoa học của việc hoạch định chiến lược, chính sách; đẩy mạnh triển khai các giải pháp khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển bền vững, phù hợp với đặc thù và thế mạnh của vùng”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã đưa ra đề xuất này tại hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” mà Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức.

TS Nguyễn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN - khảo sát dự án bưởi Thanh Trà - sản phẩm được xây dựng thương hiệu để phát triển mở rộng. Ảnh: Phạm Dung
TS Nguyễn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN - khảo sát dự án bưởi Thanh Trà - sản phẩm được xây dựng thương hiệu để phát triển mở rộng. Ảnh: Phạm Dung

Các vùng kinh tế trọng điểm chưa là đầu tàu

Vấn đề kinh tế vùng và liên kết vùng được Nhà nước quan tâm từ lâu với việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác thế mạnh và tiềm năng mỗi vùng. Tuy nhiên, như ông Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - thừa nhận tại hội thảo, quá trình thực hiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ rằng phát triển kinh tế vùng là một quy luật tự thân của kinh tế thị trường theo không gian kinh tế; cách phân vùng kinh tế - xã hội còn nhiều mặt hạn chế nên chưa phát huy được lợi thế so sánh của từng vùng.

“Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu để có tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội, chưa quan tâm đến chức năng từng vùng gắn với điều kiện kinh tế - xã hội vùng và với tổng thể quốc gia, thiếu cơ chế quản trị, điều phối vùng hiệu quả” - ông Huệ đánh giá. Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng trong các giải pháp để giải quyết vấn đề này, KH&CN đóng vai trò quan trọng.

Theo đề xuất của nhiều chuyên gia và nhà khoa học, cần rà soát phân vùng hợp lý, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của các vùng kinh tế - xã hội và vùng kinh tế trọng điểm. Đối với các vùng khó khăn, cần có chính sách thu hút đầu tư vào các ngành khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội.

Cần tính đến bối cảnh toàn cầu hóa

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, để triển khai chủ trương phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã đề ra nhóm giải pháp “KH&CN ở các vùng, địa phương”. Theo đó, hoạt động KH&CN vùng cần tập trung khai thác lợi thế và điều kiện đặc thù để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực.

Từ chiến lược này, các chương trình trọng điểm tập trung từng vùng đã được thực hiện. Điển hình là vùng Tây Bắc, KH&CN đã tham gia giải quyết các vấn đề cụ thể nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả của các ngành kinh tế trọng yếu như chuỗi cung ứng sản phẩm nông - lâm đặc sản xuất khẩu, phát triển dược liệu, du lịch, phát triển thị trường cho người nghèo.

Tại Tây Nguyên, chương trình trọng điểm cũng đã nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương - đặc biệt là nông - lâm đặc sản xuất khẩu, phát triển dược liệu. Tại Tây Nam Bộ, chương trình cũng đẩy mạnh triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển bền vững, phù hợp với đặc thù và thế mạnh của vùng, có tính đến bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, để thúc đẩy những đóng góp của KH&CN trong phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, cần có sự tập trung sức lực không chỉ của ngành KH&CN và các địa phương mà còn cần sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan.

“Trong việc liên kết vùng, cần thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ trên địa bàn các vùng theo quy mô liên ngành, liên vùng, thậm chí không chỉ giữa các vùng trong nước mà còn tính đến khả năng liên kết xuyên biên giới với các nước (Lào, Campuchia). Trong đó, cần có sự hợp tác, liên kết về các lĩnh vực kinh tế, du lịch, văn hóa, quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và môi trường kinh tế; phòng tránh thiên tai, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, đất, khoáng sản, rừng...” - ông Tạc đề xuất.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh triển khai hiệu quả nhiệm vụ hợp tác quốc tế để chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của các vùng, địa phương theo hướng cung ứng sản phẩm nông - lâm đặc sản xuất khẩu, phát triển dược liệu, du lịch, phát triển thị trường cho người nghèo.