Một trong những mục tiêu của hội thảo khởi động chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp quốc gia 2016 - 2020 là thu hút, động viên các nhà khoa học, tổ chức cá nhân miền Trung, miền Nam tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ của chương trình.
GS-TS Trần Thọ Đạt – Chủ nhiệm chương trình, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: “Khoa học nhân văn (KHNV) luôn có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và được Đảng, Chính phủ quan tâm và các nhà khoa học tham gia nghiên cứu trong nhiều năm qua.
GS-TS Trần Thọ Đạt phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NV
Trong khuôn khổ các chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia của Bộ KHCN giai đoạn 2011 -2015, lĩnh vực xã hội nhân văn có 3 chương trình trọng điểm công nghệ quốc gia: KX01 - Nghiên cứu các vấn đề về phát triển kinh tế va quản lý kinh tế; KX 02 - Nghiên cứu các vấn đề về xã hội và quản lý xã hội; KX03 - Nghiên cứu về con người, văn hóa và nguồn nhân lực. Ba chương trình này đã kết thúc và đã có báo cáo về những đóng góp vào việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, con người, nguồn nhân lực”.
Điểm mới của giai đoạn 2016-2010 là Bộ KH&CN đã đổi mới, ghép 3 chương trình thành một chương trình tổng thể tên là Nghiên cứu các vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) phục vụ phát triển kinh tế xã hội, lấy mã số KX.01/16-20.
Đây là chương trình được triển khai để một mặt cung cấp các luận cứ khoa học cho quá trình thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XXII, mặt khác xây dựng nền tảng KHXH&NV phục vụ việc phát triển KTXH dài hạn bền vững của đất nước ta.
Theo PGS.TS Bùi Đức Thọ – Thư ký Ban chủ nhiệm chương trình: “Những đề tài của chương trình 16-20 sẽ không phải những đề tài độc lập, riêng lẻ rời rạc mà là những đề tài có tính chất hệ thống, toàn diện để đạt được các mục tiêu đã được xác định”.
Bên cạnh đó, GS- TS Trần Thọ Đạt cũng kêu gọi: “Từ thống kê về việc thực hiện nhiệm vụ đề tài của cả 3 chương trình KX 01, 02, 03 trong 5 năm vừa qua (2011-2015), Bộ KH&CN cũng như ban chủ nhiệm chương trình thấy rằng sự tham gia của cá nhân các nhà khoa học, các tổ chức khoa, các trường đại học khu vực miền Trung, miền Nam còn rất khiêm tốn, dù tiềm năng rất lớn. Do vậy mong muốn của ban chủ nhiệm chương trình là hội thảo được tổ chức ở TP HCM sẽ thu hút, động viên các nhà khoa học, tổ chức cá nhân tham gia tích cực hơn nữa".