|
Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Sáng 26/11, tại Hà Nội, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2015. Đây là Hội nghị lần thứ 3 được tổ chức nhằm thảo luận và đánh giá về những kết quả nghiên cứu khoa học mới, những bài học kinh nghiệm trong quá trình quản lý, cũng như khả năng ứng dụng công nghệ mới vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước cũng như thúc đẩy phát triển các ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT tại Việt Nam.
Hội nghị lần này có sự tham dự hơn 500 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trên khắp cả nước với nhiều chủ đề được thảo luận như: Quản lý An toàn giao thông; hạ tầng và tổ chức giao thông; phương tiện giao thông; người tham gia giao thông; ứng phó sau tai nạn giao thông. Ngoài ra, Hội nghị còn có thêm 2 chủ đề mới là An toàn giao thông đường Hàng không và An toàn giao thông đường Thủy nội địa.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tình hình trật tự an toàn giao thông từng bước được cải thiện. TNGT đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, năm 2014 là năm đầu tiên trong nhiều năm, số người chết vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 9.000 người.
Đặc biệt, nếu so sánh số liệu năm 2015 với năm 2011 thấy rằng số vụ TNGT đã giảm 51%, số người bị thương giảm gần 60% và số người chết do TNGT đã giảm gần 24%, trong điều kiện phương tiện giao thông và nhu cầu vận tải tăng cao.
“Có được những kết quả trên, ngoài những nỗ lực của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, lực lượng thực thi công vụ, các doanh nghiệp thì đóng góp to lớn của cộng đồng trong đó có các nhà khoa học, chuyên gia trực tiếp và gián tiếp liên quan đến lĩnh vực ATGT”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, một trong những giải pháp được chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ trong năm 2015 đó là đẩy mạnh xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học hỗ trợ ATGT đang được phát triển mở rộng. Lần đầu tiên chúng ta một quỹ nghiên cứu khoa học do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy (VAMM) tài trợ, thực hiện ba nghiên cứu khoa học cơ bản về ATGT cho trẻ em, ATGT cho khu vực miền núi và nông thôn, nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại TP HCM.
Việc triển khai ứng dụng hệ thống camera giám sát để xử lý vi phạm trên một số tuyến đường cao tốc và quốc lộ trọng điểm theo mô hình xã hội hoá được triển khai. Đến nay, có hai dự án thí điểm đã được triển khai trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ) và Pháp Vân – Ninh Bình, kết quả bước đầu của dự án trên tuyến Nội Bài – Lào Cai là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể về ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn 2016-2020.
Trong năm 2015, các đơn vị của Bộ Công an cũng đã đẩy mạnh ứng dụng kinh nghiệm quốc tế trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn; thí điểm gắn camera cá nhân cho chiến sĩ cảnh sát giao thông; tiếp tục đầu tư phương tiện, ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Các đơn vị của ngành Giao thông vận tải đã đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu và các công nghệ mới trong việc xử lý vệt hằn lún bánh xe trên đường bộ; triển khai nhiều ứng dụng đối với dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô; nghiên cứu thí điểm thành công trạm thu phí không dừng, trạm cân cố định tự động; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng mô hình sàn giao dịch vận tải giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm ách tắc và nâng cao ATGT.
“Các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ dành cho lĩnh vực giao thông và an toàn giao thông như: Dự án nghiên cứu Hệ thống giám sát giao thông trực tuyến (REMON), Chương trình nghiên cứu về ITS; Dự án dữ liệu lớn (Big Data), đặc biệt là khả năng khai thác dữ liệu từ điện thoại di động cho quy hoạch, quản lý và điều khiển giao thông”, ông Hùng nói.