Năm 2021, các nhiệm vụ KH&CN phủ đều các lĩnh vực, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực có số kết quả nghiên cứu ứng dụng cao nhất với nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao hay các giống cây trồng có khả năng chịu hạn mặn, vật nuôi có năng suất chất lượng cao...

Ngày 17/3, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2022. “Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở các địa phương trong năm vừa qua vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Năm qua, Bộ KH&CN đã hỗ trợ 311 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (gồm 179 nhiệm vụ chuyển tiếp từ các năm trước và 130 nhiệm vụ mới); các địa phương triển khai 2104 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (trong đó có 597 nhiệm vụ chuyển tiếp). Các nhiệm vụ KH&CN phủ đều các lĩnh vực: khoa học nông nghiệp; khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học y - dược. Trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực có số kết quả nghiên cứu ứng dụng cao nhất với nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao hay các giống cây trồng có khả năng chịu hạn mặn, vật nuôi có năng suất chất lượng cao...

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TA

Nhìn chung, “các nhiệm vụ đã giúp các địa phương giải quyết những vấn đề lớn, những thách thức đặt ra trong thực tế như tập trung phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, nâng cao trình độ công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ trong phòng chống thiên tai,...”, theo báo cáo tổng kết tại hội thảo.

Để thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao các kết quả thu được, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến như chương trình giới thiệu công nghệ tại Hải Phòng, các phiên kết nối cung cầu và triển lãm tại Nam Định, khai trương sàn giao dịch công nghệ ở Bắc Giang,... Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh song với sự nỗ lực của các địa phương, hoạt động kết nối cung cầu trực tuyến vẫn đạt hiệu quả cao. Tiêu biểu như ở TPHCM, “thông qua hai kỳ Techmart trực tuyến đã trưng bày hơn 300 công nghệ và thiết bị, thu hút gần 6.000 người tham quan với hơn 25 nghìn lượt truy cập. Hiệu quả lan tỏa của Techmart trực tuyến cao gấp 10 lần Techmart truyền thống, các hội thảo tư vấn, kết nối cung cầu đạt hiệu quả gấp 20 lần hội thảo trực tiếp”, theo báo cáo.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực song báo cáo chỉ rõ, “hoạt động KH&CN vẫn còn dàn trải, manh mún, chưa tạo được các đột phá lớn; chưa gắn kết giữa các viện trường với doanh nghiệp; chưa có nhiều nhiệm vụ KH&CN có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng; doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm, đóng vai trò quyết định trong hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo”.

Nhiều người kỳ vọng vào những chính sách sắp triển khai sẽ góp phần giải quyết các vướng mắc này. Đây cũng là một trong những nội dung Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh các địa phương cần chú ý trong năm tới: “Hiện nay, Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đang được Chính phủ xem xét và sẽ sớm được ban hành, đề nghị các địa phương tổ chức triển khai ngay trong năm 2022 bằng các kế hoạch, đề án cụ thể. Ngoài ra, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, chúng ta dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 4 luật nữa (Luật KH&CN, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử). Đây là những công việc quan trọng sẽ tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo”.