Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thông điệp nêu trên trong Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam (ICT Summit 2019) diễn ra ngày 8/8/2019 tại Hà Nội.
Diễn đàn thường niên năm nay do Bộ TT&TT cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức, với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”.
Đây là sự tiếp nối chủ đề của một số năm gần đây (năm 2018: Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số; năm 2017: Việt Nam - Chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư; năm 2016: Cách mạng số - Cơ hội và thách thức). Theo đó, chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu và sẽ trở thành điểm mấu chốt mang tính sống còn đối với nhiều chính phủ, doanh nghiệp. Các hoạt động của con người từ kinh tế, xã hội, văn hóa, …. sẽ dần được số hóa, hình thành nên các không gian ảo tồn tại song song với không gian vật lý thực, điều này làm nảy sinh các mối quan hệ mới và chính những quan hệ chưa từng có hoặc chưa phổ biến đó đang thách thức các cách nghĩ, cách làm truyền thống.
Ví dụ, với một đề bài rất cơ bản là làm sao để người dân khi tham gia bất kì dịch vụ công nào, chỉ cần cung cấp dữ liệu một lần duy nhất về bản thân (và gia đình) những lần sau sẽ không mất thời gian khai báo lại nếu không có gì thay đổi, các thông tin về người đó đã được tự động kết nối giữa vô vàn hệ thống về dân cư, y tế, bảo hiểm, việc làm, thuế,…
Để làm được điều này, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước hết cần tập trung xây dựng môi trường pháp lý khả thi cho các hoạt động chuyển đổi số diễn ra. Cần xây dựng cơ sở pháp lý mới để những cơ chế thí điểm thử nghiệm (như sandbox) có thể triển khai.
Chia sẻ về vấn đề dữ liệu trong chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng hiện nay các cá nhân, tổ chức trong nước hầu như chưa xây dựng được thói quen số hóa tất cả hoạt động thường ngày; và các tập đoàn, tổ chức lớn về công nghệ thông tin cũng chưa có văn hóa chia sẻ dữ liệu mặc dù mỗi bên đều đang đổ hàng tỷ đồng vào cùng một công việc, ví dụ nhận dạng ngôn ngữ Tiếng Việt. Để đạt được đúng tiến trình chuyển đổi số, các bên liên quan cần nhanh chóng thay đổi tư duy và cách thức hợp tác.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, trong thời gian tới, cần nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng, bao gồm: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, các giải pháp nền tảng (Platform) và Đào tạo. Bộ trưởng khẳng định, Platform là công cụ thích hợp nhất cho Việt Nam đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp ICT, mỗi người phải "nhận lấy" một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm nay Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Dự thảo đề án “Chuyển đổi số quốc gia” đang trong giai đoạn tiếp nhận các ý kiến phản biển, tư vấn để sớm hoàn thiện trong vài tháng tới.
Theo Dự thảo, lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2020 đến hết 2022 là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm. Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến hết 2025 sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Và giai đoạn 3, từ năm 2026 đến 2030 là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.
Hội thảo cũng tập trung thảo luận về việc chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và chuyển đổi số doanh nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam, đại diện của các sở thông tin - truyền thông trên cả nước, các viện nghiên cứu và trường học lớn...