Số lượng các trường triển khai bài dạy STEM cũng tăng so với năm 2021, 2022 và 2023.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành thông tin tại hội thảo
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT),Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MOET

Đó là con số được Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Nguyễn Xuân Thành đưa ra tại Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông được tổ chức vào ngày 21/3 ở tỉnh Bắc Giang.

Theo thông tin từ Trung tâm Truyền thông và Sự kiện (Bộ GD-ĐT), hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 -2024.

Thông tin tại Hội thảo, Vụ trưởng cho biết giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh đã được triển khai thực hiện từ năm 2006 ở một số địa phương. Những năm qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các hội thảo, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán thực hiện giáo dục STEM. Việc này đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học nắm bắt nội dung, phương pháp, hình thức triển khai hoạt động giáo dục STEM có hiệu quả.

Số lượng các trường triển khai bài dạy STEM tăng so với thống kê tại Hội nghị năm 2021, 2022 và 2023 của Bộ GD-ĐT. Các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng các chủ đề dạy học STEM, dạy học tích hợp liên môn, dạy học qua nghiên cứu bài học và đưa vào kế hoạch giáo dục của tổ, nhóm ngay từ đầu năm học được triển khai thực hiện ở tất cả các trường trung học. Riêng năm học 2022-2023 có hơn 75.000 lượt bài dạy STEM đã được triển khai tại các cơ sở giáo dục trung học trên cả nước.

Bài học, dự án STEM cần phù hợp với lứa tuổi học sinh

Các nhóm học sinh lên thiết kế với các số đo cụ thể, trước khi bắt tay vào chế tạo cột cờ trong Ngày hội STEM 2023 của huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, tháng 1/2023. Ảnh: ĐHS
Các nhóm học sinh lên thiết kế với các số đo cụ thể, trước khi bắt tay vào chế tạo cột cờ trong Ngày hội STEM 2023 của huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, tháng 1/2023. Ảnh: ĐHS

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng trong quá trình triển khai, theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, “việc xây dựng và thực hiện bài học STEM còn bộc lộ một số hạn chế như học sinh tham gia phần nhiều ở phần thực nghiệm, trong khi việc thiết kế, xây dựng phương án thí nghiệm để giải quyết vấn đề phát hiện còn ít; chưa có nhiều cơ hội để học sinh được áp dụng kiến thức đã học từ chương trình môn học giải quyết các tình huống trong thực tiễn”. Bên cạnh đó, phần lớn các bài học là STEM kỹ thuật, chế tạo dụng cụ, học sinh thực hiện theo quy trình đã định trước, trong khi bài học STEM khoa học thì ít được triển khai.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM trong các trường phổ thông chính là nền tảng để tạo nên nguồn nhân lực cao cho đất nước trong tương lai. Từ thực tế triển khai thời gian qua, ông nhận định xã hội vẫn chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến việc áp dụng STEM trong giáo dục. Do đó, “cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội hiểu về STEM”, ông cho biết.

Theo Thứ trưởng, bài học STEM phải phù hợp với đối tượng, lứa tuổi và mục tiêu của học sinh trung học. “Các thầy cô giáo, chuyên gia là những người hướng dẫn, học sinh phải là chủ thể chính trong hoạt động giáo dục này. Các bài học, hoạt động, dự án phải dễ làm, dễ thực hiện, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có của nhà trường để thực hiện và không áp đặt suy nghĩ, tư duy giải quyết vấn đề của người lớn qua các em học sinh phổ thông.”

Ông lưu ý các Sở GD-ĐT, nhà trường nên chủ động xây dựng các hình thức triển khai hoạt động STEM đa dạng, phong phú. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức không nên gây áp lực, đòi hỏi đầu tư tốn kém đối với nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiêp cùng tham gia vào hoạt động giáo dục STEM.