Hội thảo năm nay quy tụ 100 nhà khoa học với 46 bài báo, là cơ hội để các nhà nghiên cứu trao đổi ý tưởng và đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của khu vực.

Hội nghị quốc tế GMSARN lần thứ 18 về "Năng lượng thông minh, Môi trường và Phát triển bền vững ở Tiểu vùng Mê Kông”
Hội nghị quốc tế GMSARN lần thứ 18 về "Năng lượng thông minh, Môi trường và Phát triển bền vững ở Tiểu vùng Mê Kông”. Ảnh: HUST

Diễn ra vào ngày 16-17/11 Hội nghị Quốc tế GMSARN lần thứ 18 “Năng lượng thông minh, Môi trường và Phát triển bền vững ở Tiểu vùng Mê Kông” tập trung vào những thách thức năng lượng và phát triển bền vững.

“Những chủ đề được chia sẻ trong hội nghị năm nay là lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên của chúng tôi. Đại học Bách khoa Hà Nội hy vọng sẽ đóng góp đáng kể cho mạng lưới và thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa các nhà khoa học, cả trong hoạt động nghiên cứu và học thuật”, PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho biết.

Hội thảo năm nay quy tụ 100 nhà khoa học với 46 bài báo, là cơ hội để các nhà nghiên cứu trao đổi ý tưởng và đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của khu vực. Mặc dù Tiểu vùng Mê Kông là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhưng biến đổi khí hậu gây ra tình trạng thiếu nước, gây áp lực lớn lên nông nghiệp và sản xuất điện. Ngoài ra, sự khác biệt trong hệ thống truyền tải điện giữa các quốc gia gây khó khăn cho việc thương mại điện xuyên biên giới và hạn chế công tác mở rộng khai thác năng lượng sạch.

Kể từ khi thành lập năm 2007, Mạng lưới Nghiên cứu và Học thuật Tiểu vùng Mê Kông mở rộng đã trở thành nền tảng kết nối các trường đại học khu vực. Mạng lưới bao gồm 16 đại học thành viên là những cơ sở giáo dục hàng đầu ở mỗi quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực. GMSARN thực hiện các hoạt động trong các lĩnh vực sau: phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu chung và phổ biến thông tin và tài sản trí tuệ được tạo ra trong GMS. GMSARN cố gắng đảm bảo rằng các tài sản và tri thức trí tuệ tổng thể được tạo ra, phát triển và duy trì được chia sẻ bởi các tổ chức trong khu vực. Mạng lưới chủ yếu nhấn mạnh vào mối liên kết bổ sung giữa các vấn đề phát triển công nghệ và kinh tế xã hội.

Hai thành viên Việt Nam của mạng lưới là Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Bách khoa TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Nguồn: