Việc phát hiện nền móng kiến trúc có khả năng liên quan đến khu vực chính điện thời Đinh - Lê và hệ thống di tích kiến trúc cung điện, miếu thờ có quy mô lớn, đặc sắc tại thành Nhà Hồ là hai trong số những kết quả đáng chú ý nhất được công bố tại hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 56.
Diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 1/12, Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 56 do Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) chủ trì là sự kiện thường niên của ngành khảo cổ học Việt Nam.
Hội nghị năm nay tập hợp một số lượng báo cáo lớn, với 375 báo cáo chia thành các tiểu ban Khảo cổ học Tiền Sử, Khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm, Khảo cổ học Lịch sử, Khảo cổ học Chăm Pa – Óc Eo và Khảo cổ học Dưới nước. Con số này đã cho thấy “một năm vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch COVID-19, nhưng các hoạt động khảo cổ học vẫn diễn ra sôi động trên cả nước với những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới đa dạng và có giá trị”, như nhận định của TS Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học.
Trong đó, việc phát hiện nền móng kiến trúc có khả năng liên quan đến khu vực chính điện thời Đinh - Lê và hệ thống di tích kiến trúc cung điện, miếu thờ có quy mô lớn, đặc sắc tại thành Nhà Hồ và là hai phát hiện mới đáng chú ý của ngành khảo cổ học trong năm qua.
Đợt khai quật khảo cổ học tại khu di tích Cố đô Hoa Lư và các địa điểm Đền Hạ (Gia Lâm), Đồi Cò (Gia Tường) và Đồi Chùa (Liên Sơn) thuộc nhiệm vụ "Nghiên cứu lịch sử vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt”. Trong đợt thứ nhất từ tháng 3/2021, ở hố khai quật được mở tại cánh đồng Lũy Dung, khoảng giữa Đền Vua Đinh và Đền Vua Lê đã làm xuất lộ ba lớp kiến trúc thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau nằm chồng xếp lên nhau. Từ những dấu tích, nền móng cung điện này, “chúng tôi đã đề xuất mở rộng khu vực khai quật. Từ tháng 10/2021, tại vị trí này, chúng tôi đã nhận diện được ba nền kiến trúc của hai giai đoạn thời Đinh và thời Tiền Lê một cách tương đối rõ ràng”, TS Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học), chủ trì dự án khai quật, cho biết.
Cụ thể, nhóm khai quật đã tìm thấy dấu tích của hai nền cung điện thời Đinh và những tầng văn hóa đầu tiên của khu vực cố đô Hoa Lư. Hai nền cung điện được xây dựng trên nền đất yếu, vì vậy người xưa đã xếp lên rất nhiều lau sậy để chống lầy lún và bắt đầu gia cố thêm một lớp đất sét, và bên trên lớp đất sét là một lớp mỏng bằng đá ong. “Cũng ở thời nhà Đinh, chúng tôi nhận thấy sau một thời gian sử dụng, nhà Đinh đã xóa bỏ phần kiến trúc cũ và xây dựng một nền điện mới. Giai đoạn hai [thời kỳ nhà Đinh], nhà Đinh đã mở rộng nền cung điện và tận dụng lại các viên gạch thời Đại La”, TS Quý phân tích. Nhà Tiền Lê tiếp tục phát triển trên nền cung điện này ở giai đoạn ba.
Kết quả nghiên cứu bước đầu ghi nhận khu vực nội đô của Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X có quy mô và không gian phân bố các công trình kiến trúc rộng hơn nhiều so với những hình dung từ trước đến nay. Là người đã từng tiến hành các cuộc khai quật lớn đầu tiên tại khu vực cố đô Hoa Lư, PGS.TS Tống Trung Tín, thành tựu lớn nhất của đợt khai quật này đó là nhóm nghiên cứu đã phân ra được các giai đoạn phát triển của di tích: hai thời kỳ dưới thời nhà Đinh, nối tiếp bởi một giai đoạn dưới thời Tiền Lê. “Trước đây chúng tôi đã tính đến các thời kỳ, nhưng dấu tích trên hố khai quật lại không rõ ràng để đưa ra nhận định. Phát hiện lần này đã gợi mở nhiều vấn đề hấp dẫn.”
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, trong thời gian tới, trên cơ sở các kết quả khảo cổ đạt được, Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Ninh Bình tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ ở Khu di tích Cố đô Hoa Lư, hướng tới xây dựng Công viên di sản Khảo cổ - Lịch sử - Văn hóa tại khu vực này.
Bên cạnh việc phát hiện nền móng kiến trúc cung điện ở Kinh đô Hoa Lư, cuộc khai quật khác tại Khu Trung tâm Di sản Thành Nhà Hồ do Viện Khảo cổ học tiến hành đã phát hiện một hệ thống di tích kiến trúc cung điện, miếu thờ có quy mô lớn, đặc sắc thời Trần – Hồ, cũng như một số dấu tích kiến trúc thuộc thời Lê sơ (thế kỷ 15 – 16), thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 – 18) minh chứng cho quá trình sử dụng lâu dài Thành Nhà Hồ trong lịch sử.
Đối chiếu thư tịch cổ và vị trí các hố khai quật, đặc biệt là khu vực Nền Vua, xuất lộ một tổ hợp kiến trúc tương đối hoàn chỉnh, bao gồm kiến trúc chính ở trung tâm, phía trước có hai kiến trúc cổng và dấu tích hệ thống hành lang bao quanh. Từ tên gọi Nền Vua cùng vị trí, quy mô, bố cục kiến trúc, có thể đây là kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu trung tâm của kinh đô nhà Hồ. Với hố khai quật phía Đông, nhóm khai quật cho biết bước đầu nhận diện được năm đơn nguyên kiến trúc thời Hồ, bao gồm một kiến trúc chính ở trung tâm có chín gian, kết hợp với một số kiến trúc có quy mô nhỏ hơn, hệ thống dấu tích hành lang bao quanh được xây cất quy chuẩn, cẩn thận.
“Đây là cơ hội trăm năm có một”, PGS.TS Đặng Hồng Sơn (Phó Trưởng khoa Lịch sử, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) chia sẻ. “So với những khu vực kinh đô khác, mật độ cư trú dân cư ở khu vực này đã có tác động rất lớn đến di tích. Trước giờ chúng ta cứ nghĩ khu vực Thành Nhà Hồ đã bị phá hủy rồi, nhưng đợt khai quật này cho thấy hệ thống dấu vết của móng trụ vẫn được bảo tồn tốt. Đặc biệt, ở Nền Vua, sân chính điện gần như còn nguyên vẹn. Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta tiếp tục đào sâu hơn, từ đó khôi phục lại di tích này.”