Tiến sỹ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý Trung ương - chia sẻ với Báo Khoa học và Phát triển ngay sau hội nghị bàn tròn “Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với nhóm Sáng kiến Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 13/12.
3 thách thức để tránh bẫy gia công
Tại hội nghị bàn tròn, các chuyên gia đã chỉ rõ những điểm nghẽn về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về các hạn chế trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.
Cụ thể, Giáo sư Trần Văn Thọ - Đại học Waseda, Nhật Bản - đã chỉ ra 3 thách thức của trào lưu công nghiệp hóa hiện nay đối với các nước đang tiến hành công nghiệp hóa như Việt Nam. Đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước công nghiệp mới do lượng cầu giảm sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và dư thừa năng lực sản xuất.
Thách thức thứ hai mà Việt Nam - giống như nhiều nước ở giai đoạn thu nhập trung bình và trung bình thấp khác - đang phải đối mặt là nguy cơ rơi vào tình trạng “công nghệ hóa còn non”. Một thách thức nữa là nhu cầu sử dụng lao động trong sản xuất công nghiệp giảm mạnh do cách mạng công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tự động hóa và mạng hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Giáo sư Ngô Bảo Châu tại hội nghị bàn tròn ngày 13/12. Ảnh: Quang Hiếu
Giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, việc tránh được bẫy gia công khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là một thách thức không hề nhỏ. Vì vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với sự tham gia dịch chuyển trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của kinh tế Việt Nam và các chính sách về công nghiệp hóa là điều rất cần thiết.
Chính phủ lắng nghe các nhà khoa học
Trước sự lắng nghe chăm chú của Thủ tướng, nhiều khuyến nghị đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế đề xuất. Phó Giáo sư Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana, Mỹ - cho rằng Việt Nam cần xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của mình với các chỉ số đo lường chất lượng cụ thể nhằm hướng tới một chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động, bởi nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP sẽ tăng 3,6%.
Giáo sư Ricardo Hausmann - Đại học Harvard, Mỹ - nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức đầu vào trong quá trình hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành, hàng, quy hoạch vùng, miền nhằm nâng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.
Có mặt tại buổi tọa đàm, song Giáo sư Ngô Bảo Châu không còn thời gian trình bày các ý kiến của mình. Thủ tướng đã đề nghị được nghe thêm ý kiến của giáo sư về việc ứng dụng toán học trong phân tích, xây dựng chính sách kinh tế trong một cuộc gặp khác. Trên tinh thần lắng nghe và hành động, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao, nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế kết hợp với nguồn tri thức trong nước để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách, chia sẻ thông tin.
“Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhấn mạnh rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chào đón, cầu thị và mong muốn nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia cả trong và ngoài nước. Đây chỉ là cuộc họp mở đầu. Tôi mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, thường xuyên hơn để từ các ý kiến của quý vị, chúng tôi sẽ tiếp thu, xây dựng, sửa chữa, bổ khuyết những vấn đề về thể chế, chính sách, góp phần phát triển đất nước Việt Nam” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Ủng hộ và hoan nghênh tinh thần này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng điều quan trọng lúc này là biến nhận thức và các kiến nghị thành hành động. “Cùng với các chính sách hợp lý, việc thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, khai thác chất xám là điều cấp bách đối với Việt Nam hiện nay, thay vì ăn chênh lệch giá nhân công và khai thác tài nguyên bán thô. Đã đến lúc chúng ta phải dựa vào khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm” - tiến sỹ Doanh nhấn mạnh.