Chi phí cho mỗi lần thuê xe là từ 5000-10.000 đồng/30 phút. Khách hàng sẽ cần tải app và quét mã thuê xe.
Bổ sung phương tiện cho giao thông công cộng
Từ tháng 8/2023, người dân Hà Nội đã có thể trải nghiệm thuê xe đạp công cộng trong các quận nội thành. Đây là dịch vụ do Công ty cổ phần Trí Nam – đơn vị đang vận hành các hệ thống cho thuê xe đạp công cộng tương tự tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơ, Vũng Tàu và TPHCM từ năm 2022 - cung cấp.
Dự án này đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trình lên UBND thành phố từ tháng 3 năm ngoái, với dự tính triển khai vào cuối năm 2022, nhưng do nhà đầu tư muốn áp dụng thêm loại xe điện trợ lực, có tay ga, nên đã cần thêm thời gian để nghiên cứu, tối ưu phương thức vận hành tại Hà Nội.
Trong giai đoạn 1, dự kiến Trí Nam sẽ cung cấp 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện tại 79 trạm cho thuê xe rải rác khắp địa bàn 6 quận trung tâm Hà Nội là Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Mỗi trạm được bố trí từ 10-20 chiếc xe đạp công cộng để người dân và khách hàng tới thử nghiệm. Tổng vốn đầu tư của giai đoạn đầu là từ 18-20 tỉ đồng, được triển khai thí điểm trong 12 tháng.
Giai đoạn 2, Trí Nam sẽ nâng số xe lên 3.000 chiếc và bố trí tại 350 địa điểm, bao gồm các quận trung tâm khác và lân cận trung tâm.
Để thuê xe đạp công cộng, người dân cần sử dụng điện thoại thông minh, tải app TNGo, nạp tiền vào tài khoản thông qua các cổng thanh toán trực tuyến. Khi sử dụng, người dùng sẽ phải quét mã QR gắn trên yên xe. Phần khóa bánh xe được trang bị công nghệ nhận dạng tín hiệu RFID, do vậy sau khi quét mã thanh toán, khóa xe mới được mở.
Trong quá trình di chuyển, người dùng có thể khóa xe tạm thời và mở lại khi có nhu cầu đi café, mua sắm. Khi hoàn tất chuyến đi, người dùng có thể trả xe tại trạm bất kỳ mà không cần quay lại vị trí trạm ban đầu. Trên app cũng cung cấp bản đồ để tìm các trạm cho thuê xe gần nhất.
Xe đạp công cộng có độ cao tương đối, phù hợp với người cao từ 1m6 trở lên. Giỏ xe phía trước có thể đựng túi xách to và có ngăn để chai nước. Mỗi xe chỉ chở được 1 người, không có yên xe đằng sau.
Chi phí cho mỗi lần thuê xe là 5.000 đồng/30 phút đối với xe đạp cơ, và 10.000 đồng/30 phút đối với xe đạp điện. Người dùng sẽ phải ứng thêm 1.000 đồng phí bảo hiểm. Sau 30 phút ban đầu, người dùng cần trả thêm 1.000 đồng cho mỗi 6 phút tiếp theo. Xe đạp điện của Trí Nam có thể chạy giới hạn tối đa 20 km/h. Khi hết pin, người dùng vẫn có thể đạp xe về trạm.
Viễn cảnh giao thông xanh
Mạng lưới xe đạp công cộng này hứa hẹn giúp bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khỏe và tạo trải nghiệm mới cho người dân Hà Nội.
Các trạm cho thuê xe được đặt gần các trạm chờ xe buýt để người dân xuống xe buýt có thể tiếp tục di chuyển bằng xe đạp công cộng nếu cần. Nhà đầu tư cho biết, tại TPHCM, dịch vụ đã thu hút 19.000 lượt sử dụng sau 10 ngày triển khai.
Các nhà môi trường tỏ ra hào hứng với tín hiệu này. Theo Live&Learn, một tổ chức vận động chính sách về chất lượng không khí ngoài trời, các hoạt động giao thông đường bộ chiếm đến 45% lượng bụi mịn PM 2.5 trong không khí ở TPHCM và 15% ở Hà Nội. Một trong những giải pháp quan trọng nhất để giảm lượng phương tiện giao thông, cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe là sử dụng các phương tiện công cộng, phương tiện đi chung,… khi tham gia giao thông.
Ngược lại, cũng có không ít ý kiến bày tỏ hoài nghi về dịch vụ cho thuê xe đạp. Bài học nhãn tiền là các startup chia sẻ xe đạp của Trung Quốc như Ofo, Mobike, Bluegogo gặp rắc rối về tài chính hoặc phá sản do không duy trì được mô hình doanh thu, để lại những “bãi rác xe đạp” ngay trên đường phố khiến người dân và chính quyền địa phương phàn nàn.
Một số người cho rằng dịch vụ này có thể chưa phù hợp tại Việt Nam vì ai cũng có phương tiện cá nhân rất thuận lợi là xe máy và giao thông công cộng ở Việt Nam chưa quá phát triển để xe đạp nối tuyến. Các thành phố cũng chưa có làn đường dành riêng để đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp - đây chắc chắn là điểm rất cần lưu ý nếu muốn khuyến khích xe đạp công cộng.