Bộ trưởng Nguyễn Quân trao đổi với báo Khoa học & Phát triển về những trở ngại trong việc lập quỹ phát triển KH&CN để phục vụ cho việc đổi mới công nghệ tại chính doanh nghiệp.
Quy định chặt chẽ nhưng phiền hà…
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập quỹ phát triển KH&CN tại các doanh nghiệp chưa được quan tâm, song phản ánh từ cơ sở cho thấy vướng mắc là do các văn bản hướng dẫn chồng chéo không rõ ràng, thủ tục rườm rà gây khó cho DN. Bộ trưởng có từng nghe điều này?
Tôi thường xuyên được nghe về điều này, các DN đều nói rằng việc lập quỹ phát triển KH&CN là một chủ trương đúng, nhưng để thực hiện nó thì không đơn giản.
Trước khi nói về việc này, tôi muốn nói quan điểm của Bộ KH&CN cũng như của Chính phủ. Xưa nay dù ngân sách nhà nước còn khó khăn, nhưng hằng năm Quốc hội và Chính phủ vẫn ưu ái dành 2% tổng chi ngân sách cho khoa học, song nếu nói giá trị tuyệt đối hay bình quân tính trên đầu người của chúng ta thì đây là con số quá nhỏ. Vì vậy đầu tư của DN mới là nguồn chính cho KH&CN. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy DN đầu tư cho KH&CN gấp 3-10 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Việt Nam cũng mong muốn làm được điều này, song gần 10 năm qua vẫn chưa thành hiện thực bởi có quá ít DN thành lập được quỹ và dành một phần lợi nhuận của họ cho quỹ này. Nguyên nhân là do rất nhiều vướng mắc trong văn bản hướng dẫn cũng như quy định cụ thể cản trở DN thành lập, sử dụng quỹ cho mục đích phát triển KH&CN của DN .
Bộ trưởng có thể chỉ vướng mắc lớn nhất là gì?
Tôi cho rằng vướng mắc lớn nhất của DN Việt Nam hiện nay là chúng ta có hệ thống DN nhỏ và vừa, nhưng thực ra là siêu nhỏ và nhỏ. Doanh thu ở các DN chỉ vài 3 tỷ cho đến khoảng trên dưới 10 tỷ /1 năm, như thế có thể thấy lợi nhuận trước thuế rất khiêm tốn - cũng chỉ 5-7 trăm triệu, mà 10% trong lợi nhuận trước thuế để có thể đầu tư vào quỹ phát triển KH&CN của DN chỉ cỡ mấy chục triệu đến mấy trăm triệu, không đủ để cho các DN đổi mới công nghệ ở một trình độ cao hơn.
Vấn đề thứ hai làm cho DN không hào hứng là khi lập quỹ, nhà nước chỉ cho họ được giảm thuế thu nhập DN. Trước đây là 25%, bây giờ là 22%, phần còn lại 75-78% chính là lợi nhuận sau thuế của họ, mà nếu họ không thành lập quỹ thì đương nhiên được toàn quyền sử dụng lợi nhuận sau thuế cho bất kể công việc gì. Tuy nhiên khi thành lập quỹ, mọi chi tiêu của DN cho quỹ này đều phải tuân thủ quy định nên làm nản lòng DN. Hiện quy định đối với ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN còn rất chặt chẽ, phiền hà.
Liệu có thể tháo gỡ vướng mắc này không, thưa Bộ trưởng?
Rất tiếc là không phải ai cũng nhận ra điều này mặc dù DN có phản ánh, bên cạnh đó rất nhiều hệ thống luật khác của chúng ra chưa tháo gỡ được.
Sắp tới chúng tôi hi vọng sẽ có những thay đổi, đầu tiên là Luật KH&CN quy định DN nhà nước bắt buộc phải lập quỹ. Còn DN ngoài nhà nước thì khuyến khích nếu lập quỹ sẽ được ưu đãi.
Bộ KH&CN đang cùng với Bộ Tài chính soạn thảo thông tư theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn cho DN nào lập quỹ và sử dụng quỹ hiệu quả sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi.
DN không mặn mà lập Quỹ
Hiện doanh nghiệp không mặn mà lập quỹ dù luật quy định cho DN được khuyến khích tối đa trích 10% kinh phí trước thuế để lập quỹ, nhưng muốn sử dụng thì phải lập hội đồng thẩm định đánh giá tính khả thi. Tuy nhiên, ai là người có đủ khả năng thẩm định đề tài và khi nghiệm thu thì tiêu chí nào đánh giá đề tài đạt hay không đạt?
Đây chính là điều bất cập mà các văn bản hướng dẫn của chúng ta hiện nay làm cho DN cảm thấy rất nản lòng.
Thêm nữa, việc cho phép DN được trích tối đa 10% thu nhập trước thuế để lập quỹ nhưng lại đưa ra điều kiện là trong 5 năm kể từ khi trích lập quỹ, nếu như không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hay là sử dụng không đúng mục đích nữa thì sẽ bị truy thu, thậm chí bị phạt lãi suất tính theo ngày cũng khiến DN cảm thấy nản.
Quy định mới của Nghị định 95 có thể giải quyết được vấn đề này. DN nếu như hằng năm trích quỹ mà chưa có nhu cầu dùng hoặc chưa đủ mức để có thể sử dụng thì họ cứ đóng góp cho quỹ phát triển KH&CN của các tỉnh hoặc của các bộ. Sau này, khi DN có nhu cầu đổi mới công nghệ thì có thể đề nghị quỹ của các tỉnh, bộ hỗ trợ trở lại.
Với tinh thần đó, DN có thể được hỗ trợ nhiều hơn cái mà họ đã đóng góp, bởi sự điều tiết của các quỹ nhà nước sẽ giúp DN có nguồn vốn lớn để phát triển sản xuất và đóng góp ngược trở lại nhiều hơn cho các quỹ này . Tôi cho đây là cách giải quyết đáp ứng được nhu cầu của DN.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!