Phòng thí nghiệm AI sẽ tổ chức các chương trình đào tạo/học tập tích hợp về 5G, trí tuệ nhân tạo/học máy, thực tế tăng cường, thực tế ảo, tự động hóa, điện toán đám mây, blockchain và các công nghệ liên quan.
Ngày 18/8 tại Hà Nội, Ericsson và Đại học RMIT đã ký thỏa thuận thành lập Phòng thí nghiệm AI RMIT & Ericsson trước sự chứng kiến của Đại sứ Thụy Điển và Đại sứ Australia tại Việt Nam.
Dự kiến, Phòng thí nghiệm AI sẽ tổ chức các chương trình đào tạo/học tập tích hợp về 5G, trí tuệ nhân tạo/học máy, thực tế tăng cường, thực tế ảo, tự động hóa, điện toán đám mây, blockchain và các công nghệ liên quan.
Phòng thí nghiệm AI cũng sẽ nghiên cứu và triển khai các ứng dụng AI phục vụ nhu cầu của các ngành công nghiệp trên khắp Việt Nam. Các ứng dụng này sẽ dựa trên nền tảng 5G như một hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Ericsson là hãng hàng đầu thế giới về 5G và hiện đang vận hành 147 mạng 5G đang hoạt động tại 63 quốc gia trên toàn cầu.
Ông Denis Brunetti, Giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, tin rằng việc hợp tác giữa hai bên sẽ tạo ra các tài năng trẻ về 5G cũng như những ứng dụng AI, giúp đẩy nhanh lộ trình Công nghiệp 4.0 của Việt Nam và tham vọng trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của ASEAN vào năm 2030.
Trong khi đó, GS. Claire Macken, Tổng giám đốc Đại học RMIT Việt Nam, cho biết một trong những trọng tâm chiến lược của Đại học RMIT là góp phần nâng cao năng lực công nghệ tổng thể để Việt Nam tạo được vị thế trong các ngành công nghiệp số và tương lai chuyển đổi số.
“Mối liên kết ngày càng sâu sắc của chúng tôi với các doanh nghiệp như Ericsson đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp sẽ có những kỹ năng thực tiễn cần thiết để thành công trong môi trường kinh doanh phát triển nhanh chóng, lấp đầy những khoảng trống kỹ năng mới nổi và hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế giá trị gia tăng”, GS. Macken nói.
RMIT Việt Nam là cơ sở lớn nhất ở châu Á của Đại học RMIT, hoạt động tại ba địa điểm chính gồm TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng với hơn 12.000 sinh viên, 1.200 cán bộ giảng viên và 20.000 cựu sinh viên tốt nghiệp từ năm 2000 đến nay.
RMIT cung cấp các chương trình học về khoa học, kỹ thuật và công nghệ được công nhận toàn cầu, đồng thời hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực này.
Một trong những dự án hợp tác lớn nhất sắp tới của nhà trường là đồng tổ chức Hội nghị quốc tế về Quản lý tài sản kỹ thuật lần thứ 17 (
WCEAM) tại TPHCM vào giữa tháng 10/2023, bàn về việc quản lý các tài sản kỹ thuật (ví dụ: thiết bị, máy móc, hệ thống mạng, cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, nước, giao thông, quốc phòng, y tế, hạ tầng cộng cộng…) và những công nghệ số ứng dụng trong đó.