Từ ngày 14/11, khoảng 48 nghìn nhà nghiên cứu và nhân sự từ 10 cơ sở của Đại học California đã ngừng làm việc để tham gia biểu tình đòi tăng lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Những người trong cuộc gọi đây là cuộc đình công giáo dục đại học lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Người biểu tình yêu cầu UC đưa ra mức lương tối thiểu cao hơn hiện nay, và được điều chỉnh hằng năm dựa trên cơ sở chi phí sinh hoạt. Họ cũng yêu cầu các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em và đi lại, và mức độ ổn định công việc cao hơn.
Công đoàn và UC đang đàm phán. Các thỏa thuận sắp đạt được bao gồm bảo vệ nhân sự hiệu quả hơn trước hành vi quấy rối và tăng các phúc lợi về sức khỏe. Nhưng các bên vẫn còn bất đồng về tiền lương.
“Tôi đã thấy các nhà nghiên cứu xuất sắc mất quá nhiều thời gian để lo lắng về vấn đề tài chính. Điều đó không nên xảy ra tại một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu", Raymundo Miranda, nghiên cứu sinh ngành khoa học thần kinh tại UC San Diego, đang tham gia đình công, nói.
Một cuộc biểu tình tại khuôn viên Đại học California ở Los Angeles.
Bất bình trong giới nghiên cứu
Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh nhân sự ở các trường đại học Mỹ ngày càng bất bình vì tiền lương và điều kiện làm việc không theo kịp với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Ví dụ, theo một cuộc khảo sát năm nay, ở hầu hết các cơ sở giáo dục đại học Mỹ, tiền lương của nghiên cứu sinh ngành sinh học không bằng chi phí sinh hoạt. Trong những năm gần đây, tình hình này đã nhiều nhà nghiên cứu phải làm thêm những công việc không liên quan đến học thuật.
Các thành phố ở California nổi tiếng là có chi phí nhà ở cao. Khi lạm phát tăng, khoảng cách giữa tiền lương và chi phí sinh hoạt càng lớn hơn. “Tôi sắp lấy bằng ở tuổi 30 mà không có khoản tiết kiệm nào để có thể nghĩ đến việc lập gia đình", Nadia Ayad, nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật sinh học tại UC San Francisco, người tham gia đình công, cho biết. Ayad phải dành hơn một nửa thu nhập của mình để trả tiền thuê nhà trong 5 năm học sau đại học.
Miranda nói rằng một số bạn bè của anh, cũng là những nghiên cứu sinh ở UC, thậm chí trải qua tình trạng vô gia cư hoặc phải sống trong ô tô.
Người biểu tình đang yêu cầu tăng mức lương tối thiểu trung bình (các ngành khác nhau có các mức lương khác nhau) từ 24.000 USD lên 54.000 USD cho nghiên cứu sinh tiến sĩ, và từ 60.000 USD lên 70.000 USD cho các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ. Bên cạnh đó, họ cũng yêu cầu mức lương mới phải được điều chỉnh hằng năm để đáp ứng mức tăng chi phí sinh hoạt.
Trong khi đó, UC đề nghị một mức tăng khiêm tốn hơn, dưới 10% trong năm đầu tiên và tăng cố định 3% trong mỗi năm tiếp theo, chứ không dựa trên chi phí sinh hoạt và không có mức lương tối thiểu cố định.
Có nghịch lý trong mức lương trả cho nghiên cứu sinh vì nghiên cứu sinh được coi là làm việc bán thời gian. Trên giấy tờ, họ chỉ làm công việc nghiên cứu 20 giờ mỗi tuần, thời gian còn lại dành cho việc học. Nhưng điều này không đúng đối với nhiều người trên thực tế. Ayad cho biết cô chỉ tham gia các lớp học trong 2 năm đầu và làm nghiên cứu toàn thời gian suốt 3 năm qua. Ro Sandoval, nghiên cứu sinh ngành khoa học thần kinh tại UC San Diego, nói rằng các đồng nghiệp mà anh biết đều làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần.
Vào ngày 15/11, Michael Brown, Hiệu trưởng UC, viết trong một bức thư gửi các lãnh đạo UC rằng ông tôn trọng quyết định đình công của nhân sự và thừa nhận chi phí nhà ở cao ở Califfornia là một “thách thức lớn”. Tuy nhiên yêu cầu gắn thu nhập với chi phí nhà ở “có thể gây ra những tác động tài chính quá lớn đối với trường".
Trễ hạn tốt nghiệp
Không có nhân sự, việc nghiên cứu và đào tạo ở 10 cơ sở của UC với gần 300.000 sinh viên bị đình trệ. Nhiều lớp học đã bị hủy ngay cả khi gần đến kỳ thi.
Stephanie Wankowicz, nghiên cứu sinh ngành sinh học cấu trúc tại UC San Francisco, cho biết đấu tranh cho chế độ việc làm công bằng hơn là rất quan trọng, nhưng cũng lo ngại cuộc đình công sẽ làm chậm ngày tốt nghiệp.
Miranda bắt đầu nuôi một đàn chuột thí nghiệm vài tuần trước khi các cuộc đình công bắt đầu. “Nếu đình công kéo dài lâu hơn nữa, tôi sẽ phải bỏ tất cả những con vật đã chuẩn bị, làm nghiên cứu bị lùi lại khoảng 2 tháng”, Miranda nói. “Tất cả chúng tôi đều phải hy sinh tiến độ nghiên cứu, nhưng mọi người đình công vì họ cảm thấy đây là việc quan trọng”.
Các cuộc đình công cũng gây ra gánh nặng công việc cho các giảng viên của trường, vì họ phải cố gắng duy trì các lớp học và hoạt động phòng thí nghiệm trong bối cảnh thiếu nhân sự. Theo Rebecca Calisi Rodríguez, giảng viên khoa sinh học tại UC Davis, người đã tham gia cuộc biểu tình vào ngày 18/11, các cuộc đình công có ý nghĩa đối với các thế hệ nhà khoa học trong tương lai. “Bằng cách không trả lương đủ sống cho nghiên cứu sinh, UC đang làm mất đi sự đa dạng đáng kể trong hệ thống.”
“Tôi thấy cuộc đình công không chỉ giúp ích cho cá nhân chúng tôi mà còn là một sự điều chỉnh cần thiết cho khoa học. Hy vọng phong trào này sẽ tạo ra nền khoa học tốt hơn", Wankowicz nói.
Đến ngày 28/11 biểu tình vẫn đang tiếp diễn và chưa có thêm thông tin về tình hình thỏa thuận giữa các bên.
Nguồn: