Sự kiện do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TPHCM tổ chức trong hai ngày 26 – 27/6 tại TPHCM với sự tham dự của Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam và gần 400 đại biểu trong và ngoài nước.
Diễn đàn là dịp để các startup Việt trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Đồn thời, diễn đàn tạo cơ hội để các startup Việt trong và ngoài nước kết nối, trao đổi trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam về những thuận lợi, khó khăn, nhu cầu hỗ trợ để phát triển.
TPHCM hiện có trên 760 nhóm cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% số lượng startup cả nước. Trong những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp về hạ tầng cơ sở vật chất; đào tạo tư vấn nâng cao năng lực; nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa sản phẩm KH&CN.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh: "Một trong những điểm yếu của TPHCM là sự kết nối giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Để khắc phục điều này, cần đẩy mạnh thị trường KH&CN, làm sao cho doanh nghiệp tiếp cận được với các sản phẩm khoa học và có thói quen đặt hàng với các nhà nghiên cứu”.
Vì vậy, theo ông Nhân, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, những startup cần học hỏi thêm về cách làm kinh tế từ doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường để xác định những gì phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, để phát triển bền vững, thành phố cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp cần một đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, có khả năng về công nghệ, tài chính, hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Ông Nhân cho rằng, việc kết nối các startup trong nước và ngoài nước rất quan trọng, để chia sẻ kinh nghiệm, phát triển doanh nghiệp từ giai đoạn đầu tiên như nghiên cứu thị trường, định hướng công nghệ,… đến việc thương mại hóa sản phẩm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám
đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho rằng, các startup Việt Nam nói
chung và TP.HCM nói riêng còn ít được chia sẻ kinh nghiệm thực
tế từ các startup thành công trong nước và quốc tế. “Sự trao đổi ,
liên kết hợp tác giữa các startup trong nước và ngoài nước,
đặc biệt với các startup của người Việt ở nước ngoài, còn
chưa cao” – ông Phùng nói.
Ông Phùng cho biết, thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối hợp tác quốc tế cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST, nhằm giúp các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, năng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Từ đó, giúp cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST ngày càng phát triển.
Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc điều hành Rynan Technologies, Tập đoàn Mỹ Lan, doanh nghiệp khởi nghiệp cần dựa trên cách làm khác để tạo ra sản phẩm mới hoặc tốt hơn nhằm giải quyết nhu cầu của cộng đồng với một mô hình kinh doanh có thể mở rộng nhanh chóng. Nước ta hiện nay đang thiếu những môi trường cho sáng tạo. “Vì vậy, cần phải tạo ra một môi trường mà ở đó người Việt có thể tự do sáng tạo và cống hiến hết mình cho đất nước” – ông Mỹ nói.
Tại Diễn đàn, các diễn giả và đại biểu còn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận nhiều vấn đề như để tồn tại và phát triển trong thế giới cạnh tranh; làm sao để gọi vốn thành công; startup Việt trong thời đại công nghệ 4.0; lựa chọn công nghệ khi khởi nghiệp;…