Điểm sàn nhóm ngành sức khỏe năm nay từ 19 đến 22, bằng năm trước; trong khi điểm sàn nhóm ngành sư phạm là 19, tăng 0,5.
Sinh viên Đại học Y Hà Nội học nhóm trong phòng thí nghiệm của trường. Ảnh: Thanh Hằng
Ngày 25/8, Bộ GD&ĐT đã ban hành các quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với:
nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học;
nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng năm 2021. Đây là năm thứ tư Bộ GD&ĐT đưa ra mức điểm sàn riêng cho hai khối ngành đặc thù này
Điểm sàn nhóm ngành sức khỏe giữ ổn định
Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh nhóm ngành sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2021 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi như sau: 22 điểm với ngành Y khoa và Răng hàm mặt; 21 điểm với ngành Dược và Y học cổ truyền; 19 điểm đối với các ngành khác gồm: Điều dưỡng, Y dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật phục hình răng.
Nhìn chung, điểm sàn nhóm ngành sức khỏe năm nay từ 19 đến 22, bằng với điểm sàn năm trước, và cao hơn các năm trước nữa 1 điểm (điểm sàn năm 2018 và 2019 đều từ 18 đến 21 điểm).
PGS. TS Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên cho rằng mức điểm sàn như năm nay vẫn có đủ hệ số dư và đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. “Dù ở Tây Nguyên nhưng nhiều năm gần đây, điểm chuẩn xét tuyển của trường vào các ngành y khoa luôn cao hơn điểm sàn”, ông nhận định.
Điểm sàn nhóm ngành sư phạm tăng đều qua các năm
Đối với sư phạm, điểm sàn của nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học năm nay là 19, tăng 0,5 so với năm ngoái, cho thấy xu thế tăng điểm dần qua các năm của ngành này. Năm 2020, điểm sàn ngành sư phạm bậc đại học là 18,5; năm 2019 là 18; và năm 2018 là 17.
Theo GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhìn chung, phổ điểm năm nay nhỉnh hơn năm ngoái, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng, "do vậy tăng 0,5 điểm sàn so với năm ngoái vừa đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, hợp lý trong lộ trình tăng dần chất lượng đào tạo giáo viên, vừa đáp ứng yêu cầu số lượng và tạo được sự đồng thuận trong xã hội”, ông cho biết.
Riêng các ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, ngưỡng này là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hoá. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Trong khi đó, 17 điểm là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng, đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hoá. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay còn gọi là điểm sàn) là điều kiện cần để thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Từ năm 2017 trở về trước, hằng năm, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ đưa ra mức điểm sàn quy định với tất cả các ngành (năm 2017 mức điểm sàn chung là 15,5 điểm).
Từ năm 2018, theo xu hướng tự chủ, Bộ GD&ĐT giao các trường tự chủ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định và chịu trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, Bộ vẫn phụ trách đưa ra quy định riêng cho mức điểm sàn của nhóm ngành sức khỏe và nhóm ngành sư phạm. Đây là hai khối ngành đặc thù cần phải có ngưỡng tối thiểu xét tuyển đầu vào để sàng lọc đảm bảo thí sinh có đủ năng lực học tập, công bằng giữa các cơ sở đào tạo trong cùng một ngành/chuyên ngành, cũng như đảm bảo chất lượng chung cho sản phẩm đào tạo ở hai khối ngành này. |