Các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) phát hiện có một giai đoạn bùng nổ dân số chưa được biết đến trên khắp Đông Nam Á cách đây khoảng 4.000 năm.
Nhà nghiên cứu Clare McFadden. Ảnh: ANU
Nhóm nghiên cứu sử dụng một phương pháp mới để đo lường sự tăng trưởng dân số thời tiền sử, đó là nhờ vào các mẫu hóa thạch xương người còn tồn tại đến ngày nay được lấy từ 15 địa điểm. Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chíJournal of Archaeological Science cho thấy, dân số tại Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam tăng lên đáng kể trong thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ sắt.
“Chúng tôi thấy sự tăng trưởng dân số rất lớn gắn liền với quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Khoảng 4.000 năm trước, đa số người dân sống bằng nghề săn bắt và hái lượm. Sau đó, họ bắt đầu chuyển sang hình thức thâm canh nông nghiệp”, Clare McFadden - tác giả nghiên cứu chính tại Trường Khảo cổ và Nhân chủng học thuộc Đại học Quốc gia Australia - cho biết. “Việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp đã được nghiên cứu rộng rãi trên khắp thế giới và nó luôn kéo theo sự tăng trưởng dân số đáng kể.”
Quốc Lê (Theo sciencedaily)