Việc tái chế thành công nguồn tro xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện thành bê tông vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa tạo ra vật liệu mới nhằm nâng cao năng suất chất lượng xây dựng.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương năm 2015, lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước khoảng 14,4 triệu tấn và sẽ tăng lên 29 triệu tấn vào năm 2022 – 2023. Như vậy, sẽ phải mất 1.800 ha đất để chứa nguồn thải này và chỉ sau 5 năm là hết chỗ chứa, đồng nghĩa với việc phải tăng thêm diện tích. Đứng trước thực trạng này nhiều Bộ, ngành cũng đã vào cuộc để giải quyết vấn đề nan giải này.
Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: “Bộ Xây dựng khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp các nhà máy nhiệt điện và hóa chất từ đó đưa ra các giải pháp và có sản phẩm cụ thể từ việc xử lý chất thải”. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành xây dựng cũng đang dành nhiều thời gian nghiên cứu và tìm ra giải pháp triệt để.
Mới đây nhất, công ty CP Chế tạo máy và SX Trung Hậu - một doanh nghiệp có rất nhiều năm nghiên cứu về tro bay để sản xuất ra gạch không nung đã tìm ra phương án giải quyết tối ưu cho vấn đề này. Ông Trần Trung Nghĩa - TGĐ Công ty CP Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu cho biết: ”Trước nay chỉ có phương án tái chế tro bay để làm gạch không nung, bê tông, xi măng… nhưng với lượng xỉ than lớn như hiện nay thì sản xuất gạch không nung không giải quyết hết được nguồn thải này.
Bê tông từ tro xỉ nhiệt điện được đánh giá là vật liệu mới giúp nâng cao chất lượng công trình, giảm chi phí xây dựng
Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu tôi thấy tro bay có tính chất bền sunfat nên phù hợp sử dụng trong môi trường biển. Vậy sao không dùng vật liệu này để lấn biển, chắn sóng vừa tăng diện tích đất vừa giữ đất, làm vật liệu thay thế đá hộc làm đê bao sông , đê biển… ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, lại xử lý triệt để được nguồn thải rắn là tro xỉ thải ra môi trường, giá thành lại rẻ hơn đá hộc và tiết kiệm được các nguồn nguyên liệu này”.
Bắt nguồn từ suy nghĩ đó, ông Nghĩa và cộng sự mày mò tìm hiểu, nghiên cứu và sau nhiều lần thí nghiệm đã tìm ra phương án cấp phối mới cho loại vật liệu lấn biển này. Điều thuận lợi là Trung Hậu dùng chính máy ép gạch không nung áp lực cao do công ty sản xuất để ép những khối bê tông này. Ông Nghĩa cho biết: Sản phẩm sau khi được thử nghiệm thành công cho thấy nồng độ hóa chất, chất phóng xạ đều trong ngưỡng an toàn và đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Đề tài này được ông Nghĩa đăng ký bảo hộ sáng chế độc quyền vì trên thế giới chưa có.
Theo tính toán, một nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW cần đến 30 hecta đất để chôn lấp 5 triệu tấn tro xỉ (trong 5 năm). Chi phí tiền sử dụng đất và chi phí làm bãi chôn lấp khoảng 1 triệu đồng/m2, tính ra khoảng 300 tỷ đồng, tương đương 60.000 đồng/tấn tro xỉ và một chi phí tương đương như vậy hoặc hơn để vận hành bãi xỉ gồm vận chuyển, lu lèn, phủ bạt …; tổng cộng khoảng 120.000 đ/tấn xỉ.
Trường hợp tận dụng nguồn tro xỉ phế thải từ các nhà máy nhiệt điện để sản xuất khối bê tông lấn biển tại nguồn thải sẽ tốn một khoản chi phí bằng nhau. Tuy nhiên, xét về lâu dài thì đây là phương án rất bền vững bởi không mất thêm đất để chứa chất thải và lại không gây hại cho môi trường. Đặc biệt, phương án này cung cấp nguồn vật liệu giá rẻ để lấn biển, chắn sóng hoặc làm đê bao sông biển trong chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.