Sáng 5/10, tại UBND Thành phố Hà Nội đã diễn ra lễ tổng kết công tác biên soạn và xuất bản bộ sách Bách khoa thư Hà Nội giai đoạn 2 - giai đoạn Hà Nội mở rộng - bao gồm 14 tập.


Đây là Bộ sách Bách khoa thư thứ hai ra đời kế tiếp bộ Bách khoa thư Hà Nội trước, gồm 18 tập về Hà Nội theo địa giới cũ, xuất bản năm 2010 nhân sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tập 4 về Khoa học và Công nghệ của Bách khoa thư Hà Nội - phần Hà Nội mở rộng.

Bách khoa thư Hà Nội - phần Hà Nội mở rộng dài khoảng 6.000 trang khổ A4, là bộ sách nghiên cứu đa ngành, đối tượng nghiên cứu là tự nhiên, xã hội và con người. Không gian nghiên cứu là vùng đất Hà Nội mở rộng gồm tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh và 4 xã trước đây thuộc tỉnh Hòa Bình.

Bộ sách tập trung nghiên cứu 14 lĩnh vực quan trọng là địa lý, lịch sử - chính trị - pháp luật, kinh tế, khoa học và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục, văn học, nghệ thuật, du lịch, tín ngưỡng - tôn giáo, phong tục - lễ hội, di tích - bảo tàng, y tế, thể dục thể thao.

GS Lê Xuân Tùng - Chủ nhiệm công trình - chia sẻ, là vùng "địa linh nhân kiệt" nổi tiếng, Hà Nội có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, sản sinh nhiều nhân vật hào kiệt, là nơi có "một làng hai vua", số nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học hàng đầu đất nước. Hà Nội có nhiều làng nghề nổi tiếng, nhiều kiến trúc độc đáo thu hút khách thập phương, nhiều làn điệu dân ca say đắm lòng người...

"Lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước của vùng đất này tô đậm thêm lịch sử oai hùng của dân tộc ta suốt 400 năm. Thời gian nghiên cứu của bộ sách trải dài trên 1.000 năm, từ năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đến khi hợp nhất với Thủ đô năm 2008" - GS Tùng cho biết.

Các cá nhân, tập thể nhận bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội.

Biên soạn Bách khoa thư là một công việc phức tạp với phương pháp đặc thù, yêu cầu đi từ tổng hợp, khái quát đến diễn giải từng bước, tức từ trừu tượng đến cụ thể. Nguyên tắc đó chi phối cấu trúc Bách khoa thư, phản ánh ba cấp độ tư duy: Phần tổng quan trình bày khái quát tập sách; phần nội dung chính làm sáng tỏ phần một; phần ba gồm các chuyên đề, chuyên mục, phụ lục làm sáng tỏ phần hai.

Sách được trình bày theo phong cách văn chính luận. Nguồn tư liệu để biên soạn nói chung là tư liệu đã viết thành văn, được xã hội thừa nhận.

Rút kinh nghiệm biên soạn bộ Bách khoa thư trước đây, bộ sách này được đánh giá lá có nhiều cải tiến để nâng cao chất lượng. "Chúng tôi quán triệt đến tất cả thành viên biên soạn về mục đích, ý nghĩa của bộ sách, tiến độ thực hiện, quy chế làm việc và phân công trong Ban Chủ nhiệm" - GS Tùng cho biết.

Ông Đào Đức Toàn - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội - nhận định: "Bộ sách không chỉ có giá trị trong phạm vi Thủ đô mà còn có ý nghĩa với nhân dân cả nước, giúp cho việc tuyên truyền, quảng bá và thông tin một cách chính xác, chính thống về Thủ độ Hà Nội trên nhiều lĩnh vực khác nhau".

GS Tùng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên có một công trình lớn về văn hóa tinh thần về phần Hà Nội mở rộng. Bộ sách trở thành "một ngân hàng thông tin, một trường học không có tường bao, một công cụ tìm kiếm" hữu ích về vùng đất này.

Tập thể tác giả bộ Bách khoa thư Hà Nội - phần Hà Nội mở rộng:
Cố vấn: TS Phạm Quang Nghị - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội.
Chủ nhiệm: GS Lê Xuân Tùng
Phó chủ nhiệm thường trực: PGS -TS Nguyễn Đức Khiển.
Ban chủ nhiệm: TS Đinh Hạnh, PGS-TS Nguyễn Hữu Quỳnh, PGS-TS Nguyễn Chí Mỳ, TS Lê Xuân Rao, nhà thơ Lại Hồng Khánh.
Ngoài ra còn có tập thể hơn 80 người gồm chủ biên, đồng chủ biên, các ủy viên biên tập, các cộng tác viên là đồng tác giả của bộ Bách khoa thư.