Luật NetzDG của Đức có mục đích quản lý các mạng xã hội, bảo đảm họ xóa bỏ phát ngôn thù ghét trong một khoảng thời gian định sẵn là 24 giờ hoặc 7 ngày tùy theo mức độ phức tạp sau khi nhận khiếu nại. Nếu không tuân thủ, số tiền phạt có thể lên tới 50 triệu EUR, dù vậy theo trang Spiegel Online, vẫn có thời gian chuyển đổi để doanh nghiệp chuẩn bị, kết thúc vào ngày 1/1/2018.
Luật được thông qua từ tháng 6 nhưng có hiệu lực từ 1/10. Bộ tư pháp sẽ lập nhóm 50 người để thi hành luật, được hỗ trợ tâm lý để đương đầu với những nội dung họ nhìn thấy.
Một dịch vụ phải có ít nhất 2 triệu người đăng ký mới bị luật mới quản lý. Facebook, YouTube và Twitter là các đối tượng ban đầu của luật, song Spiegel Online dẫn nguồn tin giấu tên cho biết chính phủ đang tìm cách ứng dụng luật rộng rãi hơn, bao gồm nội dung trên các nền tảng như Reddit, Tumblr, Flickr, Vimeo, VK và Gab.
Trang tin cũng viết rằng mọi công ty mạng xã hội, bất kể quy mô, đều phải cung cấp danh tính một người cụ thể tại Đức để người dùng nộp đơn khiếu nại hoặc tiếp nhận yêu cầu thông tin từ điều tra viên. Câu hỏi cần được trả lời trong vòng 48 giờ nếu không muốn bị phạt.
Đức đã có luật phát ngôn thù ghét cụ thể, tội phạm hóa một số loại phát ngôn, chẳng hạn kích động bạo lực tôn giáo và chủng tộc. Luật NetzDG cũng dẫn một số điều khoản trong luật hình sự hiện tại của Đức nhưng dành cho mạng xã hội.
Tại châu Âu, Đức không đơn độc trong cuộc chiến chống lại nội dung bất hợp pháp trên mạng xã hội. Anh gần đây cũng khá tích cực chống chủ nghĩa cực đoan trực tuyến, mục tiêu gỡ bỏ loại nội dung này chỉ trong 2 giờ. Đức thúc đẩy EU phản ứng nhanh hơn nhằm xử lý nạn tuyên truyền phát ngôn thù ghét trên khắp các nền tảng.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu ra quy định mới cho các công ty mạng xã hội, hối thúc họ chủ động hơn trong gỡ bỏ “nội dung bất hợp pháp”, trong đó có phát triển công cụ xác định tự động và ngăn chặn tải lại nội dung có vấn đề. Ủy ban cảnh báo sẽ dự thảo luật nếu các gã khổng lồ Internet không nâng cao hiệu quả trong vòng 6 tháng.
Những người chỉ trích luật NetzDG của Đức cho rằng nó sẽ khuyến khích các hãng công nghệ kiểm duyệt nội dung gây tranh cãi nhằm tránh mắc phải khoản phạt khổng lồ. Luật hoạt động như thế nào trong thực tiễn cũng còn phải xem xét.