"Mọi hoạt động, dự án du lịch trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn đều có tác động nhất định đến môi trường" - TS Lê Hoàng Lan - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường - nói tại tọa đàm “Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng phát triển du lịch ở Việt Nam” sáng 4/10.

Thông tin từ buổi tọa đàm cho thấy, thời gian qua, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng du lịch đã được triển khai và đi vào vận hành tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc rụng như Phú Quốc, Hoàng Liên, Bà Nà...

Tiếp tục xu thế đó, nhiều dự án khác dưới hình thức phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng... đã được đề xuất triển khai ở trong và xung quanh khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, các vườn quốc gia Bạch Mã, Phong Nha - Kẻ Bàng, khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng... Cộng đồng và các tổ chức xã hội lo lắng về nguy cơ việc phát triển du lịch đẩy các khu bảo tồn - với vai trò là công sản quốc gia - vào tình thế bị phá vỡ.

 Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm.
Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm.

TS Phạm Hồng Long - khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, gần 2,27 triệu ha rừng đặc dụng của Việt Nam, trong đó có 31 vườn quốc gia, là khu vực có sự phát triển hệ sinh thái mạnh mẽ nhất nên tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn. "Tài nguyên văn hóa ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cũng đều rất phong phú. Tuy nhiên, chúng ta đang quá tự hào về tiềm năng nên không quan tâm đến việc chúng ta đang hủy họai môi trường" - ông Long nói.

Các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiênphát triển hoạt động du lịch sinh thái là những nơi có cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tốt; loại hình và chương trình du lịch khá đa dạng, phong phú như: Thăm trung tâm cứu hộ, quan sát động vật hoang dã, du lịch thể thao mạo hiểm, thăm hang động...

Tuy nhiên, theo TS Long: "Du lịch sinh thái phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu tập trung ở một số vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; chưa tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng. Nguồn thu từ phát triển du lịch sinh thái còn hết sức hạn chế, chưa đủ bù đắp chi phí và đầu tư trở lại. Một số nơi du lịch sinh thái phát triển nóng, gây ra những tác động tiêu cực".


Cùng băn khoăn này, TS Lê Hoàng Lan khẳng định, bất cứ hoạt động nào của con người cũng đều gây tác động đến môi trường. Các dự án phát triển du lịch sinh thái trong khu bảo tồn không chỉ tác động đến môi trường tự nhiên như đất, nước, không khí mà quan trọng hơn là tác động đến hệ sinh thái, đến đa dạng sinh học.

"Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiênkhi đã phát triển du lịch sẽ cần có nhà hàng, có phòng nghỉ. Khi đã có những cơ sở vật chất này thì chúng ta đã đụng đến diện tích đất rừng. Ngoài ra, trong quá trình đi du lịch, con người cũng có thể tạo ra những chất thải tác động xấu đến môi trường", TS Lan nói và cho rằng, biện pháp bồi hoàn đa dạng sinh học có thể đền bù cho các tác động tiêu cực trên. Để áp dụng biện pháp này, cần chọn vị trí tương ứng với vị trị cũ để phát triển đa dạng sinh học sao cho giá trị thực của nó không mất đi.

Còn theo TS Long, cần có một chiến lược quốc gia về phát triển du lịch sinh thái bền vững ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; đẩy mạnh quy hoạch phát triển du lịch sinh thái theo các vùng lãnh thổ, đến từng vườn quốc gia, khu bảo tồn; tiếp tục và liên tục có các chương trình, các lớp tập huấn, các hoạt động nâng cao về du lịch sinh thái...