Từ năm học 2020-2021, Đại học Việt-Pháp quyết định công nhận tín chỉ và miễn thời gian đào tạo năm nhất các chương trình thạc sĩ với 3 đối tượng.
Căn cứ vào thỏa thuận hành chính ký năm 2015 về việc công nhận quá trình đào tạo và văn bằng giữa Việt Nam và Pháp, Trường Đại học KH&CN Hà Nội USTH (hay Đại học Việt-Pháp) vừa ban hành và áp dụng từ năm học tới chính sách tuyển sinh thạc sĩ mới, cho phép một số sinh viên được đăng ký học ngay năm thứ 2 chương trình thạc sĩ tại đây nếu trúng tuyển.
Cụ thể, đó là sinh viên thuộc các trường hợp sau: (1) đã hoàn thành năm nhất chương trình thạc sĩ tại một cơ sở đào tạo trong và ngoài nước theo tiến trình Bologna (sinh viên có bằng maitrise của Pháp hay đã hoàn thành 240 tín chỉ châu Âu); (2) tốt nghiệp chương trình kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV) được công nhận bởi Ủy ban bằng kỹ sư Pháp (CTI) hoặc các chương trình kỹ sư do các cơ sở đào tạo được nhà nước công nhận; (3) có bằng tốt nghiệp đại học của Việt Nam loại khá, giỏi hệ 4 năm (ngoại trừ USTH).
Như vậy, thời gian hoàn thành chương trình thạc sĩ đối với 3 đối tượng nêu trên được rút ngắn chỉ còn 1 năm.
Học viên thạc sĩ ngành Nước - Môi trường - Hải dương học thực hành trong phòng thí nghiệm, USTH, tháng 2/2020. Ảnh: USTH Chia sẻ về chính sách tuyển sinh mới, PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, USTH đào tạo theo mô hình của các trường đại học Pháp, áp dụng tiến trình Bologna và hệ thống chuyển đổi và tích lũy tín chỉ châu Âu (ECTS). Điều này tạo thuận lợi cho việc công nhận kết quả học tập của sinh viên giữa các chương trình đào tạo của USTH và các trường đại học theo tiến trình Bologna, trong đó có các trường đại học Pháp.
“Việc ban hành quy chế tuyển sinh thạc sĩ mới này góp phần giúp học viên rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí học tập, đồng thời được tiếp cận với nền giáo dục hiện đại, tiên tiến của Pháp ngay tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch theo học thạc sĩ tại nước ngoài của nhiều sinh viên” - PGS.TS. Đinh Thị Mai Thanh nói.
Năm học 2020-2021, USTH tuyển sinh 150 học viên cho 6 chương trình thạc sĩ, gồm: Năng lượng - chuyên ngành Điện xanh, Năng lượng sinh học; Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano - chuyên ngành Vật lý Nano, Hóa học Nano; Vũ trụ - chuyên ngành Khoa học Vũ trụ, Công nghệ Vệ tinh; Nước, Môi trường, Hải dương học - chuyên ngành Cấp nước và Xử lý nước thải, Chất lượng môi trường và nước tự nhiên; Công nghệ sinh học - Thực vật - Y sinh - Dược học; Công nghệ thông tin và Truyền thông - chuyên ngành Xử lý dữ liệu lớn IoT, Hạ tầng cơ sở cho IoT.
Các chương trình này được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh với 80% giảng viên đến từ hơn 20 trường đại học, tổ chức nghiên cứu uy tín Pháp đồng cấp bằng với USTH.
Các học viên có thành tích học tập xuất sắc có cơ hội nhận học bổng với mức 40 triệu, 30 triệu và 20 triệu/khóa. Trung bình hơn 80% học viên thạc sĩ được đi thực tập tốt nghiệp (6 tháng) tại các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín ở Pháp, Đức, Hàn Quốc…, trong đó 100% học viên thực tập tại Pháp có lương.
Theo thống kê, 100% thạc sĩ USTH đều có việc làm hoặc xin thành công học bổng tiến sĩ tại nước ngoài - phần nhiều trong số đó là những học bổng danh giá như học bổng Excellence của Đại sứ quán Pháp, học bổng Erasmus Mundus của Liên minh Châu Âu hay học bổng toàn phần do các trường đại học Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cấp.
Thái Thanh