Thắt chặt quản lý và có chế tài cụ thể với hoạt động chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cho Việt Nam là nội dung được quan tâm trong Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi khi việc chuyển giao công nghệ qua các dự án FDI tại Việt Nam còn nhiều vướng mắc.
Thận trọng trong cam kết đầu tư
Theo ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, Bộ KHCN, Luật chuyển giao công nghệ 2006 là bộ luật cởi mở nhất ở thời điểm được áp dụng nhưng trong gần 10 năm thực thi, luật đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế. Đặc biệt, ở thời điểm Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu khi hàng loạt hiệp định kinh tế vừa được ký kết và sắp có hiệu lực.
Về những nội dung cần sửa đổi ở Luật chuyển giao công nghệ 2006 để chuẩn bị xây dựng dự thảo luật mới, đa số các chuyên gia tham gia hội thảo Thực thi Luật chuyển giao công nghệ của Việt Nam đều cho rằng, đối với chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cần hết sức thận trọng. Hiện tại, Việt Nam đang thu hút rất nhiều dự án đầu tư nước ngoài và được xem là công xưởng lớn của thế giới. Nhưng nếu không xem xét thận trọng điều khoản chuyển giao công nghệ trong các cam kết đầu tư, Việt Nam có thể trở thành “bãi rác công nghệ”.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật chuyển giao công nghệ của Bộ KHCN, một trong những điểm đáng chú ý là tại Việt Nam, hoạt động chuyển giao công nghệ qua các dự án FDI chưa như kỳ vọng và chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế. Đồng thời, giá trị gia tăng lại không cao và lợi nhuận thu về ít.
Thực tế là công nghệ mà các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam không phải loại tiên tiến, đa số chỉ đạt trình độ công nghệ ở mức trung bình, nhiều trường hợp là công nghệ cũ, lạc hậu. Cá biệt có trường hợp chuyển giao lại là công nghệ thanh lý khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải. Tính cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường quốc tế còn yếu kém do hầu hết công nghệ sử dụng trong dự án FDI đã và đang được sử dụng phổ biến ở chính quốc.
Nguyên nhân chính là do chính sách ưu đãi đối với các công nghệ thuộc danh mục khuyến khích chuyển giao chưa đủ mạnh để các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam. Mặt khác, điều kiện ràng buộc chưa tạo thành rào cản đối với các công nghệ hạn chế chuyển giao. Đặc biệt, nhiều địa phương chạy theo thành tích, vượt rào để thu hút FDI bằng mọi giá. Do vậy, nhiều công nghệ chuyển giao vào Việt Nam không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, khi thực hiện hoạt dộng đầu tư nói chung và chuyển giao công nghệ nói riêng đều tính toán để thu lợi nhuận cao nhất. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, cơ quan cũng thiếu thông tin và hiểu biết về công nghệ, đặc biệt là yếu kém trong công tác thẩm định nên để chuyển giao vào Việt Nam những công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường hoặc định giá sai công nghệ. Điều này đòi hỏi công tác thẩm định các dự án đầu tư FDI phải hết sức thận trọng.
Về điểm này, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đồng tình với ý kiến của các chuyên gia: khi soạn thảo luật sửa đổi mới, cần có những quy định rõ về nhập khẩu công nghệ. Cụ thể, là trong danh mục nên xác định thế nào là dây chuyền công nghệ mới. Trong đó, nâng cao hơn nữa vai trò của các nhà khoa học, hội đồng khoa học để tránh nhập khẩu phải các dây chuyền lạc hậu; phải xác định tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể về thẩm định.
Tăng quyền cho các cơ quan quản lý
Trên thực tế, cơ quan quản lý Nhà nước về KHCN chỉ quản lý "phần ngọn" vì khi chủ đầu tư hoặc đối tác nước ngoài liên doanh hoặc đầu tư vốn 100% nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư thì phần công nghệ, thiết bị, máy móc của dự án bị xem nhẹ. Vì vậy, cơ quan quản lý về công nghệ không nắm được luồng công nghệ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngay từ khâu đầu vào (trừ những dự án đầu tư do Thủ tướng chủ chương phê duyệt) để góp phần hạn chế việc nhập khẩu, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu.
Thống kê từ Bộ KHCN thời gian qua cho thấy, có rất ít hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc các dự án FDI đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, phần lớn các hợp đồng được cấp giấy chứng nhận đăng ký là hợp đồng chuyển giao công nghệ sửa đổi, bổ sung.
Nguyên nhân là quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ lại không bắt buộc các doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, đa số các doanh nghiệp chỉ đăng ký khi thấy được hưởng lợi từ việc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, về nguyên tắc, giá trị công nghệ chuyển giao trong hợp đồng lại được tính vào vốn đầu tư và hạch toán chi phí chuyển giao công nghệ vào chi phí thực tế của doanh nghiệp. Thế nhưng, thực tế chuyển giao thế nào thì các cơ quan Nhà nước lại hoàn toàn không quản lý được. Bằng cách này, doanh nghiệp nước ngoài có thể khai tăng vốn đầu tư để tăng chi phí, chuyển giá ra công ty mẹ để trốn thuế.
Nói cách khác, với cơ chế như hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước không thể kiểm soát được công nghệ nhập vào Việt Nam.
Theo con số thống kê được nêu trong hội thảo, tính sơ bộ trong 9 tháng đầu năm nay, có khoảng 1.600 doanh nghiệp FDI với hơn 4.000 giao dịch. Đáng nói rất nhiều giao dịch có dấu hiệu chuyển giá dưới nhiều hình thức. Đây cũng là một điểm cần tính đến trong Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi. Nên chăng, dừng lại các ưu đãi thuế nhập khẩu bởi thuế nhập khẩu đã gần như không còn ý nghĩa khi chúng ta ra nhập nhiều hiệp định quốc tế? Hay ưu đãi thuế cần xác dịnh đúng địa chỉ để tránh việc lợi dụng vì chuyển giao công nghệ rất đa dạng và không dễ dàng định giá và cần loại bỏ việc tăng giá dây chuyền công nghệ.