45/46 đề tài của Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/16-20) đã được nghiệm thu đạt kết quả tốt, đó là thông tin từ hội nghị tổng kết Chương trình, diễn ra vào sáng ngày 27/10.
Theo GS Phạm Gia Khánh, chủ nhiệm đề tài, một trong những thành công lớn nhất của Chương trình đó là nhiều kỹ thuật trước đây chúng ta chưa làm được hoặc đã làm được nhưng kết quả còn hạn chế, thì đến nay đã thực hiện ở trong nước khá phổ biến. Tiêu biểu, lần đầu tiên các nhà khoa học đã thực hiện thành công ca ghép phổi trên người ở Việt Nam. Sau thành công này, quy trình ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não đã phát triển ở các Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, Bệnh viện 103 với nhiều kỹ thuật ghép khác nhau.
“Những kết quả này đã đưa trình độ KHCN về Y - Dược nước ta tránh tụt hậu và theo kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có một số lĩnh vực ngang hàng với các nước tiên tiến”, GS Phạm Gia Khánh nhận định. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh góp phần cứu sống nhiều người bệnh với giá thành rẻ hơn so với đi nước ngoài điều trị như ghép phổi, truyền máu song thai, các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, kỹ thuật chẩn đoán trước sinh, ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị... Cụ thể, kỹ thuật sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng hiện đang ứng dụng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai; phương pháp sử dụng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng trong điều trị một số bệnh máu và cơ quan tạo máu đang được ứng dụng điều trị Viện Huyết học truyền máu Trung ương...
Thêm vào đó, nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giá thành rẻ hơn so với nhập khẩu như kim luồn tĩnh mạch, thủy tinh thể nhân tạo, sản phẩm điều trị Alzheimer, các kit chẩn đoán bệnh truyền nhiễm.
Trong quá trình thực hiện các đề tài, Chương trình còn hợp tác với 6 doanh nghiệp - chiếm tỷ lệ 13,64% các đơn vị tham gia nghiên cứu. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, “ban quản lý chương trình vẫn cần gia tăng sự kết nối giữa kết quả đề tài với khu vực doanh nghiệp”. Dù các đề tài hiện đã cho ra những kết quả tích cực, “nhưng nếu như có thêm hoạt động đầu tư, hỗ trợ, đồng hành từ doanh nghiệp để đưa các sản phẩm - từ phương pháp, quy trình điều trị cho đến những dược liệu - ra ngoài xã hội thì thành công của Chương trình sẽ càng trọn vẹn hơn”, ông kết luận.
Anh Thư