Ngày 2/11, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình Phát triển Vật lý giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 380).
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, “dù lúc bắt đầu làm chương trình rất khó khăn”, nhưng sau 5 năm triển khai, đến nay chương trình này đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nổi bật trong số đó, theo báo cáo tổng kết, là việc thành lập Trung tâm Vật lý Quốc tế do UNESCO công nhận và bảo trợ; xây dựng được 2 tạp chí vật lý đạt trình độ quốc tế và được xếp vào danh mục ISI/Scopus, gồm tạp chí Advance in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và tạp chí Journal of Science: Advanced Materials and Devices của ĐH Quốc gia Hà Nội; nâng vị trí ngành vật lý trên bảng xếp hạng của Scopus từ 60 lên 38.
Không chỉ vậy, số công trình công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín cũng tăng đáng kể sau 5 năm thực hiện Chương trình. Theo số liệu của Web of Science, tổng số công bố lĩnh vực vật lý giai đoạn 2014-2020 của Việt Nam là 15.609, tương ứng với tỷ lệ tăng trung bình cả giai đoạn là 25%.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai 22 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và 10 trong số đó đã được nghiệm thu. Kết quả từ các đề tài này gồm 81 sản phẩm dạng I như linh kiện, cảm biến, mẫu vật liệu, chip điều khiển, hệ thiết bị, máy móc, trạm điều khiển, bản vẽ thiết kế, code, phần mềm; 91 sản phẩm dạng II như quy trình công nghệ, hồ sơ thiết kế, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật; và 99 bài báo trên tạp chí ISI.
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình - báo cáo tổng kết chỉ ra. Cụ thể, một số nội dung quan trọng như đầu tư cho các phòng thí nghiệm vật lý ở các trường đại học còn triển khai chậm; số nhiệm vụ nghiên cứu dành cho các tiến sỹ trẻ ở các trường đại học còn tương đối ít.
Tuy nhiên, dựa trên những kết quả tốt của Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1187/QĐ-TTg ngày 4/8/2020 về việc phê duyệt Chương trình Phát triển Vật lý giai đoạn 2021-2025.