Chiều 8/5, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về việc xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030, Bộ KH&CN cùng đại diện các bộ, ngành trung ương đã có phiên họp đầu tiên của ban soạn thảo, tổ biên tập Đề án Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030.
Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng chủ trì, có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội...
Đại diện Vụ tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN đã công bố về Quyết định ban hành Kế hoạch xây dựng đề án Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2020 do Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phê duyệt. Cuộc họp thảo luận xung quanh 3 vấn đề chính là công bố danh sách ban soạn thảo, tổ biên tập của đề án; Đề cương của đề án và kế hoạch thực hiện đề án.
Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là nghiên cứu và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ mục tiêu, định hướng phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách phát triển đội ngũ trí thức và các giải pháp đồng bộ khác để thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng; tạo lập môi trường hoạt động và thu hút, trọng dụng tôn vinh đội ngũ trí thức.
“Đề án cần nghiên cứu các vấn đề lý luận, khảo sát trong thực tiễn để tìm hiểu, đánh giá ở các ngành, các lĩnh vực, cho thấy bức tranh tổng quan về đội ngũ trí thức ở các ngành, các lĩnh vực, thấy được điểm mạnh, điểm yếu, điểm đang khó khăn cần hỗ trợ, tháo gỡ, từ đó đưa ra giải pháp, chính sách phù hợp. Điều quan trọng của đề án này là khi trình lên Thủ tướng phải đưa ra được giải pháp khả thi phát triển đội ngũ trí thức trong và ngoài nước trong giai đoạn tới” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh tại phiên họp. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng nêu rõ, để xây dựng Đề án chiến lược này, Bộ KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Viện trường để cùng soạn thảo.
Trình bày về đề cương của đề án với ban soạn thảo và tổ biên tập, ông Trần Văn Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN cho biết, việc xây dựng đề án có 2 thuận lợi cơ bản. Đó là đề án có thể tham khảo 5 nhóm giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 27-NQ/TW về việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành như Hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; Ðề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức; Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Ðảng đối với đội ngũ trí thức. Mặt khác, tài liệu nghiên cứu, báo cáo của các bộ, ngành liên quan đến việc phát triển đội ngũ trí thức đã có nhiều, là nguồn tư liệu quan trọng để ban soạn thảo và tổ biên tập tham khảo.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, ví dụ như nội hàm về khái niệm đội ngũ trí thức chưa được làm rõ và thống nhất. “Khi xác định được nội hàm của khái niệm 'đội ngũ trí thức' mới xác định được đội ngũ trí thức là ai, gồm bao nhiêu người, chất lượng trình độ ra sao? Khi có những thống kê về số lượng mới đưa ra được giải pháp đúng, trúng và khả thi để thực hiện trong chiến lược phát triển” - ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, nhiều nước không xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức mà mới chỉ xây dựng chiến lược phát triển nhân tài hay đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Vì thế, ban soạn thảo, tổ biên tập có thể sẽ phải nghiên cứu, tiến hành khảo sát, tham khảo kinh nghiệm của từng nước và chọn ra những nội dung phù hợp nhất để vận dụng, đề ra các chính sách phát triển đội ngũ trí thức trong điều kiện hoàn cảnh Việt Nam.
Các đại biểu dự họp đã có góp ý cụ thể cho dự thảo đề cương, kế hoạch thực hiện đề án. Để đảm bảo chất lượng của Đề án, các đại biểu dự họp cũng lưu ý: nên mời những người có chuyên môn, các nhà nghiên cứu uy tín tham gia ban soạn thảo và tổ biên tập đề án.
Đại biểu từ Vụ Khoa giáo - văn xã, Văn phòng Chính phủ góp ý: để đề án sát sao với đội ngũ trí thức của từng ngành, ban soạn thảo, tổ công tác nên phân công việc khảo sát, đề xuất khái niệm, giải pháp về từng bộ ngành. Sau đó, Bộ KH&CN sẽ giữ vai trò là đầu mối tổng hợp thông tin và cùng ban soạn thảo tổ biên tập tổng hợp và viết đề án.
Dự kiến, đề án sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/2021.