Tuyên bố của một nhà nghiên cứu Trung Quốc về việc tạo ra những đứa trẻ biến đổi gene đầu tiên trên thế giới đã khiến cộng đồng khoa học phản đối kịch liệt
và thúc đẩy một cuộc điều tra của các cơ quan y tế Trung Quốc.
Cặp song sinh chỉnh sửa gene
He Jiankui (Hạ Kiến Khuê), nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam, thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), vừa thông báo sự ra đời của hai bé gái song sinh chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới có khả năng miễn dịch với virus HIV. He cho biết, DNA của cặp song sinh Lulu và Nana được sửa đổi bằng cách sử dụng CRISPR-Cas9, một kỹ thuật cho phép loại bỏ và thay thế các đoạn DNA với độ chính xác cao.
Nhóm nghiên cứu sử dụng CRISPR-Cas9 để vô hiệu hóa gene CCR5 có chức năng mã hóa một loại protein cho phép virus HIV xâm nhập vào tế bào. He trình bày sơ bộ kết quả nghiên cứu của mình tại Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về chỉnh sửa bộ gene người ở Hồng Kông vào ngày 28/11. “Các bé gái vẫn an toàn và khỏe mạnh giống như bất kỳ đứa trẻ bình thường nào khác. Quá trình chỉnh sửa gene rất an toàn do chỉ tác động vào gene CCR5”, He nói.
Hetừng được đào tạo tại Đại học Stanford (Mỹ) trước khi trở về nước. Hecho biết, các cặp đôi tham gia thí nghiệm không chấp nhận công bố danh tính hay trả lời phỏng vấn báo chí. Hiện nay, kết quả nghiên cứu của He chưa được xác minh một cách độc lập hoặc công bố trên một tạp chí có bình duyệt.
Tại hội nghị, He đã lên tiếng bảo vệ nghiên cứu của mình: “Tôi cảm thấy rất tự hào về nghiên cứu này. Không chỉ có Lulu và Nana, tôi nghĩ rằng hàng triệu trẻ em khác cũng cần nhận được sự bảo vệ tương tự do hiện nay chưa có vaccine HIV”.He tiết lộ rằng, sắp có thêm một em bé được chỉnh sửa gene ra đời. Một tình nguyện viên trong nhóm nghiên cứu đang mang thai bé.
Trung Quốc tạm dừng nghiên cứu chỉnh sửa gene trên người
Việc chỉnh sửa gene phôi thai – có thể kéo theo sự thay đổi của các gene khác – bị cấm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi vì những thay đổi DNA sẽ được truyền sang các thế hệ tương lai, gây ra tác động không thể lường trước đối với toàn bộ vốn gene (gene pool) của con người.
Giữa một loạt những lời chỉ trích, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu các cơ quan chức năng nghiêm túc điều tra và xác minh tuyên bố của He, cũng như xem xét toàn bộ quy trình nghiên cứu của ông.
Trong khi các quốc gia khác vẫn đang trì hoãn các thử nghiệm lâm sàng trên người bằng công nghệ CRISPR thì Trung Quốc đã đẩy mạnh những nghiên cứu như vậy. Năm 2016, Trung Quốc là nơi đầu tiên tiêm các tế bào miễn dịch biến đổi gene vào một bệnh nhân để điều trị ung thư phổi ác tính. Trung Quốc cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu DNA lớn nhất thế giới.
Trước đây, Trung Quốc không có lệnh cấm rõ ràng về việc sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene trên phôi thai. Nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế đã ban hành một số nguyên tắc đạo đức, nói rằng các phôi thai dùng trong nghiên cứu không thể được cấy vào cơ thể người hoặc động vật để sinh sản.
Ngày 29/11, Chính phủ Trung Quốc ra lệnh tạm dừng tất cả các hoạt động nghiên cứu liên quan đến chỉnh sửa gene trên cơ thể người sau sự kiện He tuyên bố tạo ra hai bé gái song sinh miễn dịch với virus HIV.
Phản ứng của cộng đồng khoa học
Chính các nhà khoa học Trung Quốc cũng tỏ ra bàng hoàng trước thí nghiệm của He. Một tuyên bố chung của hơn 120 nhà khoa học Trung Quốc lên án nghiên cứu của He là điên rồ, đồng thời kêu gọi chính quyền ban hành luật về loại hình nghiên cứu này. “Chiếc hộp Pandora đã được mở ra, nhưng chúng ta vẫn có cơ hội đóng nó lại trước khi mọi thứ quá muộn”, các nhà khoa học viết trong bản tuyên bố. Họ cũng chỉ trích He đã làm ảnh hưởng đến uy tín của giới khoa học Trung Quốc nói chung: “Thật sự bất công cho các nhà khoa họcTrung Quốc khác, những người siêng năng, sáng tạo và luôn bám sát tôn chỉ đạo đức khoa học”.
Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam, nơi He làm việc, đã từ chối nhận trách nhiệm về nghiên cứu của ông. “Công trình nghiên cứu này của giáo sư He được thực hiện bên ngoài trường. Nó đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức và chuẩn mực học thuật”, một phát ngôn viên của trường cho biết.
Trong một báo cáo gửi cơ quan điều tra, Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em HarMoniCare ở Thâm Quyến – nơi He nói rằng ông đã nhận được sự chấp thuận từ một hội đồng đạo đức để tiến hành nghiên cứu – đã thẳng thừng phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với ông.
Các nhà khoa học ngoài Trung Quốc cũng phản đối nghiên cứu của He. Joyce Harper, giáo sư về di truyền học và phôi người tại trường University College London(UCL) ở London, cho biết: “Ngày nay, báo cáo về việc chỉnh sửa gene trên phôi người để chống lại virus HIV là quá vội vàng, nguy hiểm và vô trách nhiệm.”
Trên mạng xã hội Weibo, nghiên cứu của He là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong thời gian gần đây. Cộng đồng mạng lo lắng về khả năng các cặp vợ chồng giàu có sử dụng công nghệ CRISPR để tạo ra “trẻ sơ sinh thiết kế” và “siêu nhân”. Một số người dùng thậm chí còn trích dẫn lời tiên đoán của nhà vật lý Stephen Hawking: “Khi những siêu nhân như vậy xuất hiện, sẽ có nhiều vấn đề xảy ra đối với những người không chỉnh sửa gene, hay những người không thể cạnh tranh. Có lẽ họ sẽ chết hoặc trở nên không quan trọng. Thay vào đó, sẽ có một cuộc đua của những người tự thiết kế đang cải thiện với tốc độ ngày càng nhanh.”
He lên tiếng bảo vệ nghiên cứu của mình chống lại những lời chỉ trích như vậy. “Trong 40 năm qua, các quy định và chuẩn mực đạo đức đã phát triển cùng với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Phẫu thuật gene là một tiến bộ IVF khác, và nó chỉ nhằm giúp ích một số ít các gia đình”, He nói. “Tôi hiểu công việc của mình sẽ gây tranh cãi, nhưng tôi tin rằng các gia đình cần công nghệ này và tôi sẵn sàng chấp nhận những lời chỉ trích vì họ”.