Một cơn “địa chấn chính trị” đang diễn ra ở Pakistan khiến các nhà nghiên cứu hoặc rơi vào trạng thái phấn khích, hoặc ngược lại hết sức lo sợ. Vào ngày 18/8, Imran Khan, cựu ngôi sao cricket – môn thể thao được yêu thích nhất tại Pakistan, Ấn Độ và các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung khác, đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng.
Việc ông Imran Khan làm thủ tướng rơi đúng vào thời điểm cộng đồng nghiên cứu Pakistan đang đối mặt với những thách thức lớn, một trong số đó là cuộc khủng hoảng kinh tế khiến các phòng thí nghiệm rơi vào tình trạng thiếu các tiến sĩ tham gia nghiên cứu và giảng dạy, tình trạng này vốn đã tồn tại từ một vài năm nay. Dẫu cho chính sách đầu tư cho khoa học chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong chiến dịch vận động tranh cử nhưng Khan đã bắt đầu có ý tưởng về việc dùng khoa học và giáo dục làm cơ sở để làm giảm bớt tác động của đói nghèo: ông đã lập một bệnh viện điều trị ung thư và một trường cao đẳng kỹ thuật. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng cảm thấy hào hứng về những gì ông có thể đạt được trên phạm vi quốc gia.
“Imran giống như Kennedy của chúng ta. Ông ấy có thể dẫn dắt và truyền cảm hứng”, Faisal Khan, nhà sinh học tổng hợp của trường Đại học Cecos tại Peshawar và đồng thời là một doanh nhân, nhận xét. Ông hi vọng Imran Khan sẽ đặt mục tiêu đấu tranh với nạn tham nhũng trong môi trường học thuật và tái xây dựng các dịch vụ công – Thủ tướng mới hứa hẹn về những vấn đề cơ bản: xây dựng một chính phủ minh bạch, cung cấp nước sạch, dịch vụ sức khỏe công quốc gia và 5 triệu ngôi nhà mới có giá cả vừa với khả năng chi trả của người dân. “Tôi mong chờ ông ấy sẽ đề ra một cách tiếp cận vấn đề đột phá để đạt được những mục tiêu táo bạo đó”, Faisal Khan cho biết thêm.
Nhà sinh học Faisal Khan. Nguồn: MIT Review
Những thách thức phía trước
Vấn đề tồn tại dai dẳng trong khoa học và giáo dục của Pakistan là sự thiếu hụt các trường đại học có khả năng cạnh tranh ở tầm quốc tế. Sự nghiệp nghiên cứu của các nhà khoa học làm việc trong các trường đại học không rõ ràng bởi mối liên hệ với doanh nghiệp thường lỏng lẻo và phải đối diện với sự can thiệp mang tính chính trị ngay từ giới học thuật.
Mặc dù vậy, chính phủ hiện thời đều thống nhất ở quan điểm: các trường đại học và nghiên cứu khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng đối với đất nước, Athar Osama – thành viên của Ủy ban Kế hoạch, cơ quan chính phủ quản lý và phê duyệt các đề xuất khoa học lớn – cho biết.
Quốc gia xếp hạng 6 thế giới về dân số này hiện có 192 trường đại học, phần lớn các trường này đã được xây dựng hơn 20 năm qua, tuy nhiên Ủy ban Giáo dục đại học– cơ quan điều hành và phân bổ ngân sách đầu tư cho các trường đại học, vẫn còn phải vật lộn với việc đảm bảo chất lượng nghiên cứu và giảng dạy. Hiện tại, Ủy ban Giáo dục đại học vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp để làm trong sạch môi trường học thuật, trong đó có việc truy tìm các vụ đạo văn không chỉ trong các trường đại học mà cả trong nội bộ cơ quan này. Hai năm qua, họ đã đóng cửa 57 chương trình đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ vì lo ngại về chất lượng đào tạo.
Thêm vào đó, những năm quân đội nắm quyền đã tạo điều kiện cho các tướng lĩnh đóng vai trò đáng kể trong những vấn đề nội bộ quốc gia. Hai trong số các trường đại học của Pakistan lọt vào top 500 trong bảng xếp hạng các trường mới nhất của QS: một là trường Đại học KH&CN quốc gia tại Islamabad, vốn được thành lập khi sáp nhập các trường cao đẳng huấn luyện quân đội, được một tướng về hưu điều hành; một trường khác là Viện nghiên cứu Kỹ thuật và ứng dụng khoa học Pakistan gần Islamabad – một cơ sở đào tạo của Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc gia, nơi điều hành chương trình phát triển hạt nhân của đất nước.
Thật khó khăn cho những nhà quản trị dân sự hoặc là từ chối, hoặc chấp thuận những giải trình về việc cấp ngân sách cho những đề xuất từ giới quân sự hoặc công nghiệp hạt nhân. Dẫu vậy thì ông Atta-ur-Rahman, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Pakistan tin tưởng sự thay đổi đang đến. “Tân Thủ tướng ủng hộ những đề xuất dựa trên giá trị của khoa học và sẽ duy trì tính độc lập của các viện nghiên cứu”, Atta-ur-Rahman nói.
“Bẫy” tiến sĩ
Atta-ur-Rahman hi vọng đóng một vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách khoa học và đổi mới sáng tạo trong chính phủ mới. Ông hiện đang vận động hành lang với Chính phủ mới để phục hồi một chính sách từ thời ông còn đương nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học: mỗi năm, Chính phủ đầu tư cho 2.000 người làm nghiên cứu sinh tiến sĩ trong các trường đại học ở nước ngoài. Để làm được điều này, hiện ông kêu gọi các trường đại học quốc tế liên kết với các trường đại học Pakistan nhằm tăng cường chất lượng đào tạo và thực hiện các nghiên cứu hợp tác. Atta-ur-Rahman đã thành lập Viện nghiên cứu KH&CN ứng dụng Pakistan – Áo, một dự án hợp tác với mạng lưới các viện nghiên cứu công nghệ ứng dụng của Áo.
Nhưng Faisal Khan muốn thúc đẩy chính phủ mới theo đuổi chính sách này với sự thận trọng. Từng là người thụ hưởng chính sách gửi sinh viên ra nước ngoài, ông trở về nước vào năm 2013, sau khi kết thúc chương trình học tại trường Đại học Oxford. Ông cho rằng, nếu không có chính sách sử dụng họ thì điều đó sẽ tạo ra một “đội quân” những người thất nghiệp. Trên thực tế những người trở về đã thành lập Hiệp hội Các tiến sĩ và vào tháng 6 vừa qua, họ đã có một cuộc biểu tỉnh ở Islamabad, phàn nàn về việc chính phủ bỏ rơi họ.
Ông cũng chỉ ra việc hợp tác với những trường đại học nước ngoài cũng tốn nhiều kinh phí và chỉ có một số sinh viên hưởng lợi. Viện nghiên cứu KH&CN ứng dụng Pakistan – Áo sẽ “ngốn” 8,6 tỷ rupee (70 triệu USD) trong ngân sách chính quyền địa phương, tương đương với 1/5 ngân sách dành cho Ủy ban Giáo dục đại học năm 2018-2019.
Cần sự tín nhiệm
Trong khi chờ Chính phủ mới nhậm chức, các nhà khoa học phải đối mặt với thách thức trước mắt. Tham nhũng trong vòng nhiều thập kỷ đã đẩy nền kinh tế và hệ thống y tế nước này lâm vào cảnh khó khăn. Ngân hàng Trung ương đã dừng giao dịch quốc tế bởi thiếu dự trữ ngoại tệ. Điều này cũng ảnh hưởng đến các nhà khoa học bởi vì họ cần có sự cho phép của Ngân hàng Trung ương trước khi liên hệ mua thiết bị từ nước ngoài.
Sabieh Anwar, nhà vật lý tại trường Đại học Quản lý khoa học Lahore cho rằng, chính sách của Ngân hàng Trung ương có thể “đưa giới nghiên cứu đến một điểm dừng vĩnh viễn” nếu họ không thể đặt được thiết bị nghiên cứu.