Phát biểu tại Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2015 được tổ chức sáng 1/12 tại Hà Nội, Tiến sĩ Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) cho hay, hiện nay, chủ quyền số và chủ quyền quốc gia truyền thống và không gian mạng thường liên quan đến nhau. Và, có lẽ các cuộc tấn công lớn trên thế giới đều bắt đầu hoặc đi kèm là những cuộc tấn công mạng.
Nếu như trước đây, các quốc gia âm thầm đầu tư nhân lực, vật lực để phòng bị khi chiến tranh mạng xảy ra thì hiện nay, cuộc chạy đua này đang được công khai hóa ở tầm quốc gia.
Ông Thành đưa ra ví dụ về các cuộc tập trận an ninh mạng chung giữa Anh-Mỹ, các thỏa ước không tấn công lẫn nhau giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, Mỹ cũng công khai mở gói thầu 640 triệu USD với mục tiêu chuẩn bị hạ tầng không gian mạng…
Trong khi đó, ông Keshav S Dhakad, Thẩm phán cao cấp (Bộ phận Phòng chống tội phạm số của Microsoft châu Á-Thái Bình Dương) cho hay, tội phạm mạng đang gia tăng nhanh chóng trên quy mô toàn cầu, trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD và gây ra hậu quả hết sức quan trọng.
Thực tế, tội phạm thiên về sử dụng mã độc đang gây ra hậu quả khủng khiếp nhất cho các chính phủ, cá nhân và các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Các mã độc đang gia tăng theo cấp số nhân về cả số lượng, hình thức chủng loại cũng như mức độ đe dọa, gây ra những thiệt hại khó lường nếu không được cảnh báo...
Các chuyên gia bảo mật cũng nhiều lần khẳng định, nguy cơ chiến tranh mạng là rất hiện hữu. Việt Nam cũng được xem là một trong những “địa chỉ” nguy hiểm về an ninh mạng với nhiều cuộc tấn công, theo dõi.
Hồi cuối tháng Năm, hãng bảo mật FireEye đã
công bố nhóm tin tặc APT 30 được đặt tại Trung Quốc theo dõi các mục tiêu, trong đó có Việt Nam… Đấy là chưa kể hàng loạt các cuộc tấn công nhằm vào các doanh nghiệp, báo điện tử vốn tốn khá nhiều giấy mực trong thời gian qua…
Mối nguy hiểm là thường trực, song kết quả của cuộc khảo sát thực trạng an toàn thông tin 2015 khiến nhiều người không thật vừa lòng.
Theo ông Thành, sau khi khảo sát gần 600 tổ chức, doanh nghiệp với hơn 36 câu hỏi bám vào 32 tiêu chí, kết quả cho thấy chỉ số trung bình của Việt Nam đạt 46.4%, tăng 7,4% so với năm 2014 song vẫn ở dưới mức trung bình 50% và còn sự cách biệt với các nước như Hàn Quốc (hơn 60%)…
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: businessinsider.com)
Nhìn thẳng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng công tác bảo đảm an toàn thông tin ở Việt Nam còn bị động. Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang buông lỏng, hầu như không áp dụng các biện pháp tối thiểu để bảo đảm an toàn thông tin và chưa có quy trình thao tác chuẩn khi có sự cố xảy ra.
Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin còn thiếu. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc ở mức cao. Điều này gây ra những tổn thất lớn và đặt ra nhiều nguy cơ rủi ro trong tương lai, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh và mức độ tin cậy của Việt Nam trong thế giới số.
Ông Hưng nói, vấn đề cấp thiết là làm thế nào để xây dựng và kiện toàn khả năng chuẩn bị, đối phó và xử lý các sự cố mất an toàn thông tin và tấn công mạng một cách hiệu quả nhất. Trong đó, việc nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về an toàn thông tin phải được tăng cường; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về an toàn thông tin.
Trong khi đó, ông Vũ Quốc Thành cho rằng, để bảo đảm an toàn trong môi trường mạng ngày càng nguy hiểm, Việt Nam phải xây dựng chiến lược phòng thủ toàn dân đối với an toàn thông tin. Do đó, cần tạo nhận thức chung về nguy cơ mất an toàn thông tin, chiến tranh mạng; hoàn thiện chiến lược, phân vùng chiến lược trên không gian mạng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị…