1000 mẫu kính thông minh cho người khiếm thị vừa được nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Bá Hải (chủ nhiệm) chế tạo thử nghiệm thành công. Mẫu kính thông minh MT2EX này đã được nâng cấp, mở rộng vùng phát hiện vật cản.

Trước đó, ngày 15/1/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ và ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã ký kết hợp đồng thực hiện Đề tài độc lập cấp Quốc gia về “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, chế tạo mẫu kính điện tử cảnh báo vật cản cho người khiếm thị”.

Sau hơn một năm thực hiện đề tài, TS. Nguyễn Bá Hải đã chế tạo thử nghiệm thành công kính điện tử MT2EX, với tính năng vượt trội hơn so với phiên bản trước.

MT2EX có hình dáng như cặp mắt kính thông thường, gắn thêm thiết bị tạo rung. Khi phát hiện vật cản phía trước, thiết bị sẽ tạo tốc độ rung vào cơ thể để báo cho người khiếm thị biết. Càng gần vật cản, độ rung càng mạnh và nhanh, cường độ rung có thể điều chỉnh được.

TS. Hải cho biết, điểm mới của sản phẩm này là sử dụng hai cảm biến hồng ngoại, nên mở rộng thêm phần quét vật cản từ ngang hông người sử dụng xuống dưới chân. Khoảng cách nhận biết vận cản cũng được xa hơn. Đối với cảm biến gắn trên kính là 1,2m, (phiên bản cũ là 80cm), cảm biến dưới (gắn vào thiết bị đeo hông) là 3,2m.

Kính có thể hoạt động trong mọi điều kiện ánh sáng, nhiệt độ từ 0 – 60 độ C, pin dùng cho bộ điều khiển có thể sử dụng tối thiểu 48 giờ và có chế độ báo tình trạng pin. Sản phẩm có thể cạnh tranh về tính năng và giảm được 50% giá thành so với các sản phẩm tương tự trên thế giới do Việt Nam làm chủ được công nghệ lõi.

TS.Nguyễn Bá Hải giới thiệu về kính điện tử MT2EX.
TS.Nguyễn Bá Hải giới thiệu về kính điện tử MT2EX.

Tại buổi nghiệm thu đề tài mới đây, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Lâm - Phân viện Nghiên cứu Điện tử - Tin học - Tự động hóa đánh giá, đề tài đã giải quyết được một số tồn tại ở phiên bản trước như kích thước lớn, không phát hiện vật cản đủ xa, tầm thấp,… Sản phẩm thành công sẽ có tác động tốt đối với vấn đề xã hội, chăm lo cho người khuyết tật, nếu sản xuất được đại trà với giá thành thấp.

Nhận định về mẫu kính thử nghiệm thành công, TS. Trần Xuân Hồng - Ban quản lý Dự án FIRST - cho rằng, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng của đề tài là hiện đại và tin cậy. Kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao, tác động tốt trong việc giảm bớt khó khăn cho cộng đồng người khiếm thị. Tuy nhiên, sản phẩm nên thử nghiệm rộng rãi hơn và chú trọng đến ý kiến của những người lần đầu sử dụng. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ với điều kiện ứng dụng khi trời nắng to, nhiệt độ môi trường cao. Do sản phẩm sử dụng công nghệ cảm biến hồng ngoại, khi hoạt động ở môi trường khắc nghiệt sợ khó phát hiện được vật cản.


Ở góc độ là người sử dụng, anh Nguyễn Minh Hải - Mái ấm Thiên Ân (TPHCM) - cho biết, sau khi thử dùng kính MT2EX, anh đã phát hiện được vật cản ở dưới ở khoảng cách xa hơn để chủ động tránh. Anh Hải muốn tác giả nghiên cứu chế tạo thêm bộ phận báo hiệu âm thanh và độ rung mạnh hơn khi phát hiện vật cản.

Trong khi đó, chị Dương Thị Thanh Vân (Thủ Đức, TPHCM) cũng hài lòng khi dùng thử MT2EX vì phát hiện được vật cản cả phía trên và dưới ở khoảng cách xa. Chị Vân mong muốn, nếu thiết bị MT2EX được chế tạo không dây, phân biệt được người và vật cản khác thì sẽ còn tốt hơn nữa.

Theo ông Đào Ngọc Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - mục tiêu nghiên cứu, sản phẩm đạt được của đề tài có tính nhân văn cao, cần được xem xét, tiếp tục hỗ trợ nhằm hoàn thiện các tính năng phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, do sản phẩm có liên quan đến phương diện y sinh học nên cần thiết phải có những nghiên cứu đánh giá từ các đơn vị chức năng về y tế trước khi đầu tư sản xuất hàng loạt và sử dụng rộng rãi.

"1.000 mẫu kính chế tạo thử nghiệm cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra về phương diện kỹ thuật. Các mẫu kính sau khi được đánh giá đảm bảo an toàn với người sử dụng, sẽ được chuyển giao cho Trung ương Đoàn và Hội người mù Việt Nam để xem xét, tặng miễn phí cho các đối tượng phù hợp" - ông Đào Ngọc Chiến cho biết thêm.