Ngày 15/1/2016, Bộ KH&CN và ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã ký kết hợp đồng thực hiện Đề tài độc lập cấp Quốc gia về “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, chế tạo mẫu kính điện tử cảnh báo vật cản cho người khiếm thị”.


Với tổng kinh phí 5,57 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, đề tài sẽ thực hiện các nội dung nghiên cứu trong 1 năm như: hoàn thiện quy trình chế tạo kính điện tử và sản xuất ra 1.000 kính điện tử đầu tiên theo các tiêu chuẩn kỹ thuật được nhóm chuyên gia - hội đồng đánh giá nội dung đề tài thuộc Bộ KH&CN góp ý. Đồng thời, trang bị thêm một số máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất cho đơn vị.

TS. Nguyễn Bá Hải - Chủ nhiệm đề tài cho biết, 1.000 kính sản xuất thử nghiệm sẽ được trao tặng cho những người khiếm thị có đủ một số điều kiện như khiếm thị hoàn toàn không thấy gì (hoặc chỉ phân biệt được sáng tối), nhu cầu đi bộ 500m/ngày trở lên, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc thuộc đối tượng ưu tiên đặc biệt.

Bộ KH&CN và Trường ĐHSPKT Tp.HCM ký kết hợp đồng thực hiện đề tài
Bộ KH&CN và Trường ĐHSPKT TP.HCM ký kết hợp đồng thực hiện đề tài

Ông Đào Ngọc Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ KH&CN) mong muốn, sau khi hợp đồng được ký kết, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM quan tâm, hỗ trợ tối đa cho nhóm nghiên cứu để đề tài thực hiện đúng tiến độ, đạt kết quả đáp ứng hợp đồng giữa hai bên. Sau khi nhiệm vụ hoàn thiện, các sản phẩm được triển khai sản xuất thử nghiệm, có phản hồi tốt từ người dùng, Bộ KH&CN sẽ thông qua Hội đồng Y đức của Bộ Y tế để kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Theo ông Đào Ngọc Chiến, sau khi được chứng nhận của Bộ Y tế, Nhà trường nên xây dựng tiếp một dự án sản xuất quy mô lớn. Trong dự án này, Bộ KH&CN cũng có những hỗ trợ về ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trường cũng cần phải kêu gọi nhiều nguồn đối ứng từ các nguồn khác nhau như doanh nghiệp, nhà trường,… Nếu làm được điều này mới hoàn thiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao cho.

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, trường sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện, hỗ trợ TS. Nguyễn Bá Hải về môi trường nghiên cứu, sản xuất để đề tài sớm hoàn thành nhiệm vụ và đi vào sản xuất đại trà. Tuy nhiên, theo ông Dũng, nhóm tác giả đề tài cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ cao hơn để cho ra những sản phẩm ngày càng tiện ích phục vụ cho người khiếm thị.