Miền Bắc đang trải qua một đợt rét kéo dài và có cường độ mạnh. Nguyên nhân gián tiếp gây nên đợt lạnh kỷ lục này là do con người chặt phá rừng dẫn đến biến đổi khí hậu và hệ quả của nó là việc thời tiết nóng, lạnh thất thường.


Trong những ngày gần đây, nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nội dao động trong khoảng từ 6 đến 8 độ C, ở vùng núi cao có băng tuyết xảy ra. Đây có thể coi là 1 đợt rét hại kỷ lục với nhiệt độ hạ xuống rất sâu.

Đánh giá về đợt lạnh kỷ lục này ở Hà Nội, TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng - Khí hậu cho rằng đây là 1 đợt rét hại đặc biệt nghiêm trọng, dù trong lịch sử cũng từng xuất hiện những đợt rét tương tự.

Tính riêng ở Hà Nội trong vòng 30 năm trở lại đây, đã có những đợt lạnh tương tự về cường độ, ví dụ như đợt lạnh vào tháng 2 năm 2008, nhiệt độ thấp nhất quan trắc được vào khoảng 6,7 độ C, hoặc đợt lạnh có nhiệt độ thấp nhất là 6,2 độ C quan trắc được vào ngày 21 tháng 02 năm 1996.

TS Khiêm cho biết, nếu như xét trên cả giai đoạn hơn 50 năm từ năm 1961 trở lại đây, có những đợt lạnh mà nhiệt độ thấp nhất quan trắc được còn thấp hơn so với đợt lạnh hiện tại. Có thể lấy ví dụ như đợt lạnh kỷ lục với nhiệt độ thấp nhất vào ngày 31 tháng 01 năm 1977 là 5,4 độ C, ngày 31 tháng 12 năm 1975 là 5,1 độ C hay vào ngày 14 tháng 02 năm 1968 với nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nội xuống đến 5 độ C.

Người dân miền Bắc đang phải chịu đựng cái rét cắt da
Người dân miền Bắc đang phải chịu đựng cái rét cắt da

Theo kết quả thống kê từ số liệu quan trắc tại Hà Nội, trong vòng hơn 50 năm qua (từ 1961 cho đến nay), các kỷ lục nhiệt độ tối thấp tuyệt đối thường xảy ra trong các năm có hoạt động của La Nina. Tuy nhiên, đợt lạnh này xảy ra trong năm có El Nino có cường độ rất mạnh, tương đương đợt El Nino năm 1997-1998, điều này cũng có thể coi là sự thay đổi bất thường của thời tiết và khí hậu.

Theo TS Mai Văn Khiêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiệt độ có những bất thường. Theo đó, đợt lạnh này tại Việt Nam có mối liên quan chặt chẽ với đợt lạnh kỷ lục đang diễn ra tại Trung Quốc cũng như các quốc gia phía Bắc. Chính sự xâm nhập của các sóng lạnh có cường độ rất mạnh từ phía bắc xuống làm nhiệt độ khu vực Việt Nam giảm sâu, kết hợp với độ ẩm không khí cao càng tạo điều kiện cho sự hình thành mưa tuyết và băng giá.

Nguyên nhân thứ 2 có thể là biến đổi khí hậu hiện nay làm gia tăng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, các hiện tượng khí hậu cực đoan cả về tần suất và cường độ, không chỉ ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Việc con người chặt phá rừng không phải nguyên nhân trực tiếp gây nên đợt lạnh này, nhưng là một trong những nguyên nhân gây nên biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại Nghệ An có nơi tuyết rơi dày tới 20cm
Tại Nghệ An có nơi tuyết rơi dày tới 20cm

Thực tế ghi nhận nhiệt độ đang hạ thấp ở mức kỷ lục. Thậm chí tại Nghệ An - nơi được xem là có khí hậu khô, nóng đặc trưng nhưng cũng đã xuất hiện tuyết rơi.

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào chiều 26/1, nền nhiệt độ tại Nghệ An ở ngưỡng -5°C đến 0°C, băng tuyết phủ trắng khu vực này. Cá biệt, tại bản Buộc Mú, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển nên vào thời điểm đó đã có tuyết rơi dày từ 10 - 20cm.

Theo giới chuyên môn, trong nhiều nguyên nhân thì việc tác động của con người tới thiên nhiên đang góp phần đẩy nhanh tiến trình biến đổi khí hậu. Cụ thể, việc tăng lượng khí CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch, tạo thành các sol khí tồn tại trong khí quyển, sản xuất xi măng, sử dụng đất, sự suy giảm của tầng ôzôn, hiện tượng phá rừng... cũng góp phần quan trọng làm ảnh hưởng đến khí hậu, vi khí hậu.