PGS-TS Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.
Quốc hội vừa cho ý kiến về dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với mức đồng thuận cao. Cá nhân tôi đánh giá cao ban soạn thảo đã xây dựng một bộ luật có nhiều điểm tiến bộ, tạo cơ hội phát triển thị trường công nghệ. Liên quan đến thương mại hóa công nghệ, tôi muốn nhấn mạnh đến kết quả nghiên cứu và phát triển được tạo ra bằng ngân sách nhà nước.
Theo thông lệ quốc tế thì tổ chức chủ trì nghiên cứu và phát triển công nghệ được giao quyền sở hữu và chủ động thương mại hóa công nghệ này. Điều đó tạo thuận lợi cho đơn vị trong việc tổ chức nghiên cứu và sử dụng sản phẩm của mình, qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu, chất lượng đào tạo, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm KH&CN và có nguồn thu từ đó. Nhà nước nên xem đây là khoản đầu tư cho giáo dục, cho KH&CN, tức là cho phát triển.
Vì thế, tôi tán thành điều 41 của luật này với quy định doanh nghiệp KH&CN của Nhà nước được thế chấp tài sản thuộc sở hữu nhà nước để vay vốn chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu trước nay vẫn khó khăn do không có điều kiện sản xuất thử nghiệm quy mô lớn.
Việc đưa kết quả nghiên cứu vào đời sống cần từ 5-7 năm, thậm chí 10 năm, thường kèm theo rủi ro. Trong khi đó, doanh nghiệp phải chịu nhiều sức ép từ thị trường nên không thể đợi và thường chùn tay trong việc liên kết nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa công nghệ với các trường, viện.
Vì vậy, mong ban soạn thảo đưa vào luật những ràng buộc, chế tài cần thiết, hình thành liên kết tam giác có trách nhiệm giữa Nhà nước, viện, trường và doanh nghiệp. Để phát triển thị trường KH&CN, Nhà nước cần hỗ trợ hình thành các công ty chuyên tìm kiếm công nghệ tiên tiến phù hợp với trình độ, nhu cầu của doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh phí đầu tư hạn chế để làm cầu nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp.
Các nhà nghiên cứu cũng cần có cách làm phù hợp với hoạt động KH&CN của thế giới. Nếu vẫn làm theo tư duy đề tài nghiên cứu thì rất khó chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình.