Có thể thấy, những kết quả đạt được trong thời gian qua, cả về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, đã góp phần khiến xã hội quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực KH&CN. Do đó, trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội, 120 câu hỏi đã được các đại biểu đặt ra, chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề quan trọng của ngành KH&CN: quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học; vấn đề tự chủ trong các viện nghiên cứu, các tổ chức KH&CN công lập; tình hình thị trường KH&CN và giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu từ trường, viện cho doanh nghiệp; giải pháp thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu giải quyết những vấn đề của cuộc sống, đặc biệt là nông nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích lĩnh vực tư nhân đầu tư và ứng dụng công nghệ, giải pháp giải quyết nút thắt ở Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp…
Nhóm các vấn đề này phản ánh một chuỗi các hoạt động quản lý nhà nước và xây dựng chính sách thúc đẩy KH&CN mà Bộ KH&CN thực hiện trong thời gian qua. Đề cập đến các kết quả đã đạt được trong thời gian qua và những nhiệm vụ mục tiêu trong Chiến lược phát triển KH, CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, dù đã có những thành tựu nhưng KH&CN không phải không có những vướng mắc trong quá trình phát huy sáng tạo. Các vướng mắc này đến từ rất nhiều khâu khiến cho các cơ chế, chính sách được xây dựng chưa thực sự phát huy sức mạnh như kỳ vọng, dẫn đến việc các nhà khoa học, các trường viện vẫn khó tiếp cận với các doanh nghiệp và bản thân các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm để thúc đẩy chuyển giao công nghệ vẫn chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các trường viện vẫn còn ở mức khiêm tốn, dù trong Luật KH&CN có ghi mức chi cho KH&CN hằng năm là 2% tổng chi ngân sách nhưng thực chi vẫn còn chưa đạt con số này. Các cơ sở hạ tầng dành cho khoa học cũng còn nhiều hạn chế, đó cũng là một phần lý do khiến hiệu quả của hoạt động KH&CN trong các trường viện chưa được như mong đợi. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, do hoạt động KH&CN có những đặc điểm riêng không như hoạt động của nhiều lĩnh vực khác nên rất khó có thể tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng. Vì vậy, quan trọng là cần xác định được kết quả đạt được này đã góp phần vào phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ các nhà khoa học, làm nên uy tín của các trường, viện.
Mặt khác, để KH&CN lan tỏa giá trị trong xã hội, góp phần vào nâng cao sự cạnh tranh của sản phẩm thì các doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho KH&CN. Tuy nhiên hiện tại thì sự đầu tư này vẫn còn ở mức khiêm tốn và nhiều doanh nghiệp tư nhân quan tâm đến đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ nhưng năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn yếu.
Trước những thực trạng này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, cần có những giải pháp chính sách để ngành KH&CN có thể tháo gỡ các vướng mắc này, qua đó tạo đà phát huy sức sáng tạo và đóng góp nhiều hơn của KH&CN cho kinh tế xã hội. Bộ KH&CN đã và tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn cho một chuỗi giá trị sáng tạo, bắt đầu từ trường, viện, ví dụ như kiến nghị Chính phủ xem xét cho xây dựng Nghị định riêng cho tự chủ các tổ chức KH&CN công lập theo hướng toàn diện hơn về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ tài chính, quản lý tài sản; kiến nghị các cơ chế chính sách thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam… Một trong những giải pháp chính sách mà Bộ KH&CN đang thúc đẩy là xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập. Mục tiêu của ba trung tâm này là nhằm khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia.