Đây sẽ là một nhiệm kỳ đầy thách thức khi giáo dục ASEAN đang trong giai đoạn chuyển giao giữa trạng thái “giáo dục ứng phó với đại dịch COVID-19” sang trạng thái “giáo dục thích nghi với đại dịch COVID”.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo Bộ GDĐT tại lễ tiếp nhận vai trò Chủ tịch kênh Giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023 được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại lễ tiếp nhận vai trò Chủ tịch kênh Giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023 được tổ chức trực tuyến. Ảnh: MOET

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn tại buổi lễ tiếp nhận vai trò Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023 chiều 16/3.

Tiếp nhận vai trò này từ Chủ tịch nhiệm kỳ trước - Bộ trưởng Giáo dục Philippines Magtolis Briones, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết hai năm qua giáo dục các nước ASEAN đã phải chịu tác động lớn bởi đại dịch COVID-19 với những khó khăn chung như phải đóng cửa trường học, thực hiện dạy và học hoàn toàn trực tuyến và qua truyền hình; đối diện với những vấn đề về sức khỏe và sự an toàn của học sinh phát sinh khi không được đến trường một thời gian dài; nguy cơ hổng kiến thức, kỹ năng của học sinh và việc phải đảm bảo an toàn cho học sinh quay trở lại trường học khi tình hình cho phép.

Tuy nhiên, “các nước ASEAN đã cố gắng vượt qua những ‘cú sốc’ chưa từng có tiền lệ đối với giáo dục, cùng nhau giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của đại dịch. Tiếp nối những nỗ lực đó, các nước sẽ bước vào trạng thái “giáo dục thích nghi với đại dịch COVID-19”, nỗ lực gia tăng khả năng chống chịu của hệ thống giáo dục ASEAN trong bối cảnh mới.

Theo ông, đây là giai đoạn yêu cầu người học, nhà trường và phụ huynh phải sẵn sàng thích nghi với mọi hình thức học tập bao gồm trực tiếp, trực tuyến hay kết hợp cả hai. Trong giai đoạn này sẽ có những ưu tiên cấp thiết nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục linh hoạt hơn để chống chọi và tự phục hồi với những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Cụ thể, những ưu tiên này bao gồm: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kết luận.

Bên cạnh việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN, năm 2022 cũng đánh dấu sự kiện Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Asean+3 lần thứ 6, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục cấp cao ASEAN - Đông Á lần thứ 6 tại Hà Nội.

Nguồn: