Tham dự Lễ trao Danh hiệu có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại dương, Bộ Công thương cùng gần 400 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp phần mềm và CNTT trong cả nước.
Lễ trao Danh hiệu Sao Khuê 2016 được tổ chức nhân dịp Đại hội Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Lễ trao danh hiệu Sao Khuê 2016. Ảnh: Long Vân
Có thể khẳng định, qua nhiều năm triển khai, Sao Khuê không còn đơn thuần là một danh hiệu mà đã trở thành một chứng chỉ uy tín nhất của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT, góp phần khuyến khích các doanh nghiệp phát triển thị trường.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết từ năm nay, các sản phẩm xuất sắc được công nhận Sao Khuê sẽ được VINASA đề cử tham gia Giải thưởng Quốc tế APICTA của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Không chỉ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những thương hiệu lớn, có chỗ đứng trên thị trường như FPT, MISA, Tinh Vân... cũng luôn đánh giá cao đóng góp của Danh hiệu Sao Khuê cho hoạt động truyền thông và bán hàng của doanh nghiệp.
93 sản phẩm tiêu biểu do các doanh nghiệp phần mềm chọn lựa, đề cử, Hội đồng bình chọn qua 3 vòng thẩm định, đánh giá nghiêm túc đã lựa chọn được 73 sản phẩm, dịch vụ xuất sắc nhất để công nhận Danh hiệu Sao Khuê 2016.
Các doanh nghiệp đoạt Danh hiệu Sao Khuê 2016. Ảnh: Long Vân
Các sản phẩm, dịch vụ được công nhận Danh hiệu Sao Khuê đều có sự vượt trội về chất lượng, tính sáng tạo trong giải pháp và hiệu quả đem lại cho người dùng. Đặc biệt, 10 sản phẩm và dịch vụ vinh dự được công nhận Top 10 Sao Khuê 2016 đều rất xuất sắc, đem lại doanh thu tổng cộng 240 triệu USD, tương đương tới 17% tổng doanh thu của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam.
Trong đó, 4 dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm có tổng doanh thu lên đến hơn 5 nghìn tỷ đồng và sử dụng 11,000 lao động. Ban tổ chức Danh hiệu Sao Khuê cho biết, từ năm 2009 đến nay, hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm liên tục là điểm sáng trong sự phát triển của ngành với tỉ lệ tăng trưởng trung bình từ 30 – 35% tập trung vào 3 mảng thị trường chính là Bắc Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, hàng năm đem lại nguồn ngoại tệ tốt cho Việt Nam.
Top 10 Sao Khuê 2016 – Nhóm sản phẩm:
1. Hệ thống giải pháp phần mềm Bravo7 ERP của Công ty Cổ phần Bravo. Phần mềm đã được sử dụng tại hơn 2500 khách hàng, đem lại doanh thu 55,5 tỷ đồng trong 2015.
2. Hệ thống thanh toán đa dịch vụ tại quầy Bưu điện – PayPost của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Chuyển giao Công nghệ VINA. Hệ thống PayPost đã triển khai trên 2800 điểm bưu cục kết nối online với đủ các dịch vụ thu hộ, chi hộ, chuyển tiền cho trên 600 đối tác. Năm 2015, sản phẩm đã đem lại doanh thu 19,4 tỷ.
3. Dịch vụ chuyển tiền mặt Bankplus –Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel. Dịch vụ Bankplus giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào việc mở tài khoản ngân hàng. Những người nhận tiền tại vùng sâu, vùng xa không còn phải di chuyển ra ngân hàng, bưu điện, bến xe khách…để nhận tiền. Dịch vụ này đã mang lại doanh thu lớn cho Tập đoàn Viễn thông quân đội và tạo việc làm cho khoảng 160.000 lao động trên toàn quốc.
4. Phần mềm mSales – MobiFone. Giải pháp mSales đã được triển khai tại MobiFone với vai trò là hệ thống duy nhất trong quản trị, quản lý kênh phân phối và lực lượng bán hàng. Hệ thống góp phần không nhỏ trong kết quả kinh doanh vượt kế hoạch năm 2015 vừa qua của Tổng Công ty với 36.900 tỷ doanh thu và 7395 tỷ lợi nhuận.
5. Hệ thống bán vé điện tử của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – FIS. Hệ thống được xây dựng với mục tiêu lớn nhất là tạo ra nhiều kênh/phương thức bán vé cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, website bán vé không chỉ được thiết kế thân thiện cho người dùng mà còn gánh trách nhiệm cung cấp thông tin công khai minh bạch về phương án sử dụng kho vé của ngành đường sắt; giúp ngăn chặn và giảm thiểu nạn đầu cơ vé. Hệ thống bán vé đã gây tiếng vang lớn ngay khi được đưa vào triển khai.
6. Phần mềm Kế toán MISA SME.NET 2015 – Công ty Cổ phần MISA. Đây là Phần mềm kế toán duy nhất tại Việt Nam cho phép kế toán kê khai thuế qua mạng trực tiếp từ phần mềm đến cơ quan thuế thông qua dịch vụ kê khai thuế qua mạng MTAX.VN. Sản phẩm này đã đem lại doanh thu 106.1 tỷ đồng cho MISA và được 21.065 khách hàng sử dụng trên toàn quốc.
Top 10 Sao Khuê 2016 – Nhóm Dịch vụ:1. Xuất khẩu dịch vụ phần mềm – FPT Software. Năm 2015, FPT Software tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, châu Á - Thái Bình Dương (APAC)... Thị trường Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng chủ đạo với 45% thị phần, Mỹ tiếp tục duy trì vị trí số hai với 27%. Hiện nay, FPT Software đang là đối tác/đối tác chiến lược của 400 Tập đoàn/công ty lớn trong các lĩnh vực công nghệ, hàng không, điện tử, tài chính ngân hàng, thiết bị y tế...
2. Dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm - Global CyberSoft Vietnam. Với doanh thu 402,6 tỷ đồng trong năm 2015, Global CyberSoft Vietnam có thị phần tại thị truờng Mỹ chiếm 44%, thị trường Nhật chiếm 29%, Châu Âu %7 ,các thị trường khác trên thế giới chiếm 20%.
3. Dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm - Harvey Nash Việt Nam. Năm 2015, Harvey Nash Việt Nam đã có doanh thu lên đến 633 tỷ đồng với hơn 100 khách hàng lớn như: ANZ Bank, HSBC Vietnam, Deutsche Bank, PWC Vietnam, Friesland Campina v.v…
4. Dịch vụ gia công phát triển phần mềm cho thị trường Mỹ - KMS Technology Việt Nam. Dịch vụ này luôn tăng trưởng từ 150 – 200% hàng năm trong suốt 5 năm qua. Năm 2015, dịch vụ gia công phát triển phần mềm đã đem về cho công ty 275,5 tỷ đồng.