Ứng dụng Bluezone do Memozone, VNPT, MobiFone và BKAV cùng nhau phát triển được các cơ quan chức năng khuyến khích người dân sử dụng để bảo đảm khả năng ghi nhận và cảnh báo những người tiếp xúc gần với nguy cơ bệnh COVID-19.
Ngày 18/4, tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và Bộ Y tế đã ra mắt ứng dụng
Bluezonenhằm bảo vệ cộng đồng trước sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Đây là kết quả hợp tác của 4 doanh nghiệp công nghệ trong nước: Memozone, VNPT, MobiFone và BKAV.
Sau khi người dùng cài đặt ứng dụng để tham gia vào cộng đồng, điện thoại của họ sẽ tự “nói chuyện" với nhau trong trường hợp họ có sự tiếp xúc qua lại. Nhờ công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp, thiết bị sẽ tự ghi nhận vào nhật ký thời điểm và thời gian tiếp xúc của người dùng, khi phát hiện có sự tiếp xúc gần (trong khoảng cách 2m).
Nếu phát hiện ra một người nhiễm bệnh Covid-19 (F0), dữ liệu của người đó sẽ được nhập lên hệ thống rồi chuyển xuống tất cả các thiết bị đang sử dụng và cảnh báo những người đã có ghi nhận lịch sử tiếp xúc với F0 trong thời gian đủ lớn.
Ứng dụng cũng cung cấp liên hệ của cơ quan y tế có thẩm quyền và khuyến cáo người sử dụng liên hệ để được hướng dẫn, trợ giúp.
Theo các nhà phát triển, Bluezone có một số đặc điểm:
Bảo mật dữ liệu: chỉ lưu dữ liệu trên máy smartphone của người dùng mà không chuyển lên hệ thống server, trừ khi người dùng có xác nhận là F0. Lúc đó, người dùng được báo là F1 cũng sẽ tự đưa dữ liệu lên để bảo vệ cộng đồng.
Không thu thập vị trí: chỉ thu thập thời gian gặp nhau lúc nào và trong bao lâu.
Ẩn danh: Người tham gia cộng đồng sẽ sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra nên sẽ ẩn danh với những người khác. Chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới có thể biết những người nhiễm và nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19.
Minh bạch: Dự án được mở mã nguồn theo bản quyền GPL 3.0, cho phép bất kì ai trên thế giới cũng có thể tìm hiểu hoạt động của hệ thống ở mức mã nguồn, tự do sử dụng, nghiên cứu, sửa đổi và chia sẻ các thông tin theo giới hạn ghi trên thỏa thuận.
Chỉ hiệu quả khi số người dùng ứng dụng đủ lớn
"Khi phát hiện ca dương tính F0, thay vì cách ly cả nghìn người, chúng ta chỉ cần cách ly vài chục người", ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT), cho biết.
Tuy nhiên, chỉ khi số lượng người dùng kết nối với hệ thống đủ lớn, thì mạng lưới này mới đủ khả năng bảo vệ cộng đồng. Cục Tin học hoá ước tính nếu có 30 triệu người dân cài đặt Bluezone thì Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tối ưu để phát hiện sớm các ca tiếp xúc gần với những người bị bệnh. Do vậy, Bộ TT-TT và Bộ Y tế khuyến khích mọi người dân sử dụng Bluezone. Ứng dụng này sẽ được cập nhật trên App Store và Google Play trong vài ngày tới.
Ý tưởng xây dựng cộng đồng theo dõi người bệnh ở Việt Nam không phải quá mới mẻ, khá nhiều nước và công ty trên thế giới cũng đã nghiên cứu và triển khai, tuy nhiên nhóm phát triển Bluezone cho biết họ đã cố gắng khắc phục những điểm yếu của các ứng dụng tiền thân.
Trước đó, giữa tháng 3/2020, công ty khởi nghiệp Got it Vietnam cũng công bố một phiên bản thử nghiệm mang tên
Covid-19 Check để xây dựng một mạng lưới các mối tiếp xúc giữa các cá nhân trong vòng 14 ngày nhưng dựa trên dữ liệu người dùng tự cung cấp hàng ngày để hệ thống tự động theo dõi, phân loại người có nguy cơ từ F0-F5.
Trên thế giới, từ cuối tháng 3/2020, Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore (GovTech) và Bộ Y tế nước này đã bắt đầu triển khai ứng dụng TraceTogether khai thác tín hiệu Bluetooth để đo khoảng cách tiếp xúc của người dùng. HiệnTraceTogether đã có trên 1,1 triệu người dùng, so với số dân 5,6 triệu người của quốc đảo này.
Giữa tháng 4/2020, Apple và Google vừa mới bắt tay phát triển một ứng dụng để phát hiện tiếp xúc qua công nghệ Bluetooth, nhằm mục tiêu bù đắp thiếu sót của điều tra dịch tễ kiểu truyền thống.