Các nghiên cứu mới phát hiện lợi ích đáng ngạc nhiên của vaccine cúm: ngăn ngừa COVID-19, nhất là thể nặng.

Trong những tháng đầu của đại dịch - trong khi vaccine COVID-19 vẫn đang trong quá trình phát triển - các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến khả năng bảo vệ khỏi COVID-19 của các loại vaccine sẵn có. Nhưng rất khó thu thập dữ liệu đo lường mức độ bảo vệ này, bởi vì những người chủ động tiêm chủng phòng ngừa các bệnh khác ngoài COVID-19 rất có khả năng là người tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe như rửa tay, đeo khẩu trang hoặc giãn cách, do đó nguy cơ bị nhiễm SARS-CoV-2 của họ cũng sẽ thấp hơn dân số chung, cho dù vaccine có hiệu quả bảo vệ khỏi SARS-CoV-2 hay không.

Để giảm thiểu tác động của "hiệu ứng người tích cực bảo vệ sức khỏe" này, một nhóm do nhà dịch tễ học Laith Jamal Abu-Raddad tại Weill Cornell Medicine Qatar dẫn đầu, đã phân tích hồ sơ sức khỏe của nhân viên y tế trong nước. Hành vi bảo vệ sức khỏe giữa những người trong nhóm này có xu hướng đồng đều với nhau hơn so với những người trong dân số nói chung, theo nhóm nghiên cứu, nhưng có lẽ vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn sự khác biệt về hành vi bảo vệ sức khỏe giữa các cá nhân.

Nhóm Abu-Raddad theo dõi 518 nhân viên y tế có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và đối chiếu thông tin tiêm phòng ngừa cúm của nhóm này với hơn 2.000 nhân viên y tế có kết quả xét nghiệm âm tính. Những người đã được chủng ngừa cúm trong mùa cúm đó có khả năng xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thấp hơn 30%, và khả năng phát triển COVID-19 thể nặng thấp hơn 89%, so với người chưa tiêm. Nghiên cứu được thực hiện vào cuối năm 2020, trước khi Qatar triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 và đăng lên medRxiv.org vào ngày 10/5/2022.

Tiêm vaccine cúm ở Santiago, Chile.

Một nhóm khác, do nhà dịch tễ học Günther Fink tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ dẫn đầu, cũng báo cáo vaccine cúm liên quan đến giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 nhập viện ở Brazil. Việc hai nghiên cứu riêng biệt cho kết quả nhất quán cho thấy rất có thể có mối liên hệ giữa vaccine cúm và COVID-19, chứ không chỉ là ngẫu nhiên, theo các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, việc quan sát thấy vaccine cúm liên quan đến giảm cả tỷ lệ nhiễm và tỷ lệ bệnh nặng còn là bằng chứng cho thấy vaccine cúm có khả năng bảo vệ chống lại SARS-CoV-2.

Tuy nhiên không rõ hiệu quả bảo vệ này kéo dài bao lâu. Trong số nhân viên y tế trong nghiên cứu của Qatar, những người tiêm vaccine cúm và sau đó vẫn nhiễm COVID-19 thì thường nhiễm vào thời điểm khoảng 6 tuần sau tiêm. Do đó các nhà nghiên cứu cho rằng hiệu quả bảo vệ chống SARS-CoV-2 của vaccine cúm không kéo dài lâu, dự đoán là sáu tháng đến hai năm.

Vẫn chưa rõ tại sao vaccine cúm - chứa virus cúm bất hoạt - lại giúp bảo vệ chống lại SARS-CoV-2. Có thể vaccine tăng cường khả năng phòng vệ nói chung của hệ miễn dịch.

Hiệu quả bảo vệ chống lại mầm bệnh mới của các vaccine sẵn có, cho dù chỉ một phần và trong thời gian ngắn, có thể giúp cứu sống hàng triệu người trong các đại dịch trong tương lai.

Nguồn: