Với vật liệu lấy từ căn bệnh sốt rét chết người, các nhà khoa học Đan Mạch đã phát triển một phương pháp "bắt cóc" các tế bào ung thư trong máu, từ đó phát hiện bệnh sớm.
Công trình ứng dụng protein sốt rét VAR2CSA, tức loại protein có thể tìm thấy trong ký sinh trùng gây bệnh sốt rét. Nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) phát hiện ra rằng protein này có đặc tính kỳ lạ: chúng khá "hảo ngọt" và bị thu hút bởi một phân tử đường vốn được tìm thấy trong hơn 95% các loại tế bào ung thư.
Trong thử nghiệm, VAR2CSA đã tỏ ra hết sức nhạy bén: chúng nhanh chóng bị thu hút bởi các phân tử đường và nhờ đó nhanh chóng bắt dính 9/10 tế bào ung thư mà các nhà khoa học đã đưa vào mẫu máu thí nghiệm.
Khả năng bắt tế bào ung thư của VAR2CSA được đánh giá là ưu việt hơn rất nhiều so với các phương tiện chẩn đoán sớm hiện đại. Vì vậy, người ta có thể dùng protein này để xây dựng nên một xét nghiệm máu chẩn đoán ung thư. Ở người bệnh, chính những tế bào mà VAR2CSA "bắt cóc" được sẽ giúp bác sĩ biết được bệnh nhân bị loại ung thư gì.
Không những vậy, protein VAR2CSA còn giúp tiên lượng nguy cơ di căn của bệnh ung thư. Thứ chúng bắt được – những tế bào ung thư lang thang trong máu – được gọi là "tế bào khối u tuần hoàn". Tế bào khối u tuần hoàn chính là những "quả bom nổ chậm", có thể phát triển thành ung thư di căn.
"Chúng tôi đếm số lượng tế bào khối u tuần hoàn và dựa trên đó chúng tôi có thể tiên lượng được bệnh. Bạn có thể thay đổi hướng điều trị nếu số lượng tế bào khối u tuần hoàn không giảm đi sau một thời gian điều trị. Ngoài ra, phương pháp này có thể giúp chúng ta lấy ra khỏi cơ thể các tế bào ung thư sống, sau đó dùng chính chúng làm vật thí nghiệm cho các phương pháp điều trị, nhằm xác định phác đồ điều trị phù hợp nhất với bệnh nhân" – bác sĩ Mette Ørskov Agerbæk, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Thử nghiệm thành công ở nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư tuyến tụy – loại ung thư mà hầu hết bệnh nhân chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.
Theo Nld