Giáo sư Will Steffen là một trong những nhà khoa học về khí hậu xuất chúng, ông có tầm ảnh hưởng lớn tới các chương trình nghị sự khoa học và các chính phủ trên toàn thế giới.

Giáo sư Will Steffen (1947-2023).
Giáo sư Will Steffen (1947-2023).

Quá trình hoạt động


Sinh ra tại Norfolk, Nebraska,Will Steffen vào khoa hóa học tại Đại học Missouritrước khi lấy được bằng tiến sĩ ở Đại học Florida.Ông tới Úc vào cuối những năm 1970, sau khi dành một năm làm việc cho Peace Corps (Chương trình Hòa bình) tại đảo quốc Fiji xa xôi.

Sau khi làm nghiên cứu viên hậu tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Úc, Steffentham gia Ban cơ học môi trường thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), làm biên tập viên và cán bộ thông tin. Không lâu sau, ông được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành tại Chương trình Thay đổi Toàn cầu và Hệ sinh thái trên cạn thuộc Chương trình Địa quyển-Sinh quyển Quốc tế (IGBP), một cơ quan quốc tế hợp tác nghiên cứu về thay đổi toàn cầu.

Vào những năm 1980, các phòng thí nghiệm nghiên cứu môi trường và các nhà khoa học hầu như vẫn làm việc riêng rẽ. Giáo sư Steffen đã dùng những vị trí mà mình đảm nhiệm để kết nối các nhà khoa học trên toàn thế giới lại với nhau. Bắt đầu với chiếc máy fax là công cụ chính để liên lạc qua nhiều múi giờ, ông đã hỗ trợ tạo ra các mạng lưới nghiên cứu trên toàn cầu, với sự tham gia của hàng chục nghìn nhà khoa học.

Steffennhanh chóng trở thành một trong những nhà lãnh đạo ở lĩnh vực nghiên cứu mới nổi này. Trong suốt những năm 1980 tới năm 1990, ông là một trong những nhân tố thúc đẩy, quy tụ các lĩnh vực khác biệt như sinh thái học, sinh học, hải dương học và nghiên cứu khí hậu sang một môn khoa học liên ngành hơn để tìm hiểu hệ thống Trái đất. Vào thời điểm đó, lĩnh vực này hãy còn non trẻ, rất nhiều ý tưởng mà giờ đây phổ biến thì hồi đó bị coi là cực đoan. Chẳng hạn như Gia tăng Đột biến (Great Acceleration) – tình trạng tác động của con người lên môi trường tăng đột ngột kể từ những năm 1950, xảy ra do những xu hướng như sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng vọt, dân số thế giới nhanh chóng bùng nổ. Sau khiPaul Crutzen, người đoạt giải Nobel Hóa học năm 1995, phát biểu rằng thế giới đã bước sang một kỷ nguyên địa chất mới là Kỷ Nhân sinh, Steffenđã tiếp nhận, phát triển và hỗ trợ phổ biến quan niệm này trên toàn cầu.

Các hoạt động nghiên cứu và đóng góp

Năm 2009, ông cùng với một số các nhà khoa học đã viết một bài báo có tiêu đề “A safe operating space for humanity” (Một không gian hoạt động an toàn cho nhân loại), đăng trên tạp chí Nature. Trong đó, nhóm tác giả đưa ra khái niệm “các giới hạn hành tinh”, xác định chín quá trình ở quy mô hành tinh sẽ kiểm soát tình trạng ổn định của hệ thống Trái đất, nếu vượt qua những giới hạn này thì sẽ xảy ra các biến đổi môi trường nghiêm trọng. Kể từ khi công bố, khái niệm giới hạn hành tinh đã đưa ra một khuôn khổ then chốt để chúng ta hiểu được những thay đổi đang xảy ra trên Trái đất.

Ảnh tư liệu về dự án khai thác than tại lưu vực Galilee. Nguồn: Andrew Quilty
Ảnh tư liệu về dự án khai thác than tại lưu vực Galilee. Nguồn: Andrew Quilty

Năm 2011, ông được bổ nhiệm vào Ủy ban khí hậu của Chính phủ Úc, có nhiệm vụ truyền đạt và làm rõ tình hình biến đổi khí hậu lẫn tác động của quá trình này cho người dân. Khi Ủy ban bị bãi bỏ vào năm 2013, Steffenđã đồng sáng lập Hội đồng Khí hậu Úc để tiếp tục làm việc, kêu gọi công chúng quyên góp kinh phí để hoạt động. Chỉ sau một tuần, quỹ đã nhận được 1 triệu đô Úc. Giờ đây, tổ chức là một nguồn tư vấn khí hậu độc lập hàng đầu tại nước này.

Năm 2015, một nghiên cứu kéo dài năm năm do ông đứng đầu đã phát hiện những thay đổi diễn ra trên Trái đất trong 60 năm qua là chưa từng có trong 10.000 năm trước. Cụ thể, kể từ năm 1950, dân số tại các vùng đô thị tăng 700%, năng lượng tiêu thụ tăng 500%, số lượng phân bón hóa học rải trên đất trồng tăng gấp tám lần. Điều này khiến lượng nito hòa vào đại dương tăng 400%, gây ra những thay đổi thảm họa đối với hành tinh. Trong số chín quá trình làm nền tảng cho sự sống trên Trái đất, thì bốn quá trình đã vượt quá mức “an toàn”, bao gồm: biến đổi khí hậu do con người gây ra, mất tính toàn vẹn của sinh quyển, thay đổi hệ thống đất và nồng độ photpho và nito cao chảy vào đại dương do dùng phân bón.

Năm 2016, Steffen công khai đứng lên phản đối Chính phủ Úc khi họ vận động UNESCO kiểm duyệt mọi thông tin đề cập tới những tác động đối với rạn san hô Barrier Reef, Công viên Quốc gia Kakadu của Lãnh thổ phía Bắc và các khu rừng của Tasmania trong báo cáo Di sản Thế giới và Du lịch trong Khí hậu thay đổi. Ông cùng các đồng nghiệp cũng chống lại quyết định cắt giảm hơn 100 nhà khoa học môi trường của CSIRO. Hành động này đã nhận được sự hưởng ứng quốc tế. Kết quả, Chính phủ Úc thành lập một Trung tâm Khoa học Khí hậu CSIRO mới, đặt trụ sở tại Hobart, Tasmania.

Năm 2022, ông là một trong 423 nhà khoa học ký tên vào một tuyên bố cảnh báo nước Úc không thể “chống chịu được” với các vụ cháy rừng, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác sẽ càng lúc càng khốc liệt do biến đổi khí hậu; yêu cầu chính phủ nước này phải thi hành những chính sách khẩn trương giảm tổng lượng khí thải nhà kính của Úc, cam kết và thỏa thuận mang tính xây dựng với các nhà lãnh đạo thế giới khác nhằm phối hợp hành động vì khí hậu toàn cầu.
Không chỉ nỗ lực thúc đẩy các nghiên cứu khoa học, tư vấn cho chính phủ, phổ biến thông tin cho người dân, ông còn là một “chiến binh” tiền tuyến, sẵn sàng tranh luận lại với những người phủ nhận biến đổi khí hậu đang diễn ra trong chính phủ, các ngành công nghiệp và phương tiện truyền thông, thẳng thắn bác bỏ những lý lẽ mà họ đưa ra. Chính vì thế, ông hứng chịu nhiều công kích trên các nền tảng xã hội. Thậm chí, trong một giai đoạn, tình hình còn leo thang tới mức văn phòng của ông tại Đại học Quốc gia Úc buộc phải đóng cửa do nhận được nhiều lời đe dọa tới tính mạng.

Các bạn trẻ thuộc nhóm Youth Verdict, trong vụ kiện đóng mỏ than tại lưu vực Galilee.
Các bạn trẻ thuộc nhóm Youth Verdict, trong vụ kiện đóng mỏ than tại lưu vực Galilee.

Steffenvô cùng quan tâm tới tương lai của hành tinh cũng như tương lai của những thế hệ kế tiếp. Ông hỗ trợ các nhóm hoạt động môi trường bằng cách cung cấp dữ liệu khoa học để làm cơ sở lý lẽ cho thấy khai thác mỏ và sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang gây ra những thay đổi thế nào với khí hậu.

Steffen còn thường xuyên góp mặt trong những vụ kiện có mục tiêu hạn chế sự phát triển nhiên liên hóa thạch. Trong vụ kiện mang tính bước ngoặt vào tháng 11/2022, yêu cầu đóng một khu mỏ than khai thác lộ thiên ở lưu vực Galilee, ông đã tham gia với vai trò nhân chứng chuyên môn. Một tổ chức có tên là Youth Verdict, gồm các thanh thiếu niên thuộc những nhóm cư dân bản địa Úc tuổi từ 13 tới 30, đã đệ đơn lên Tòa án đất đai Queensland nhằm ngăn chặn hoạt động của mỏ than Waratah. Khai thác mỏ than này là một dự án được chính phủ liên bang chấp thuận, nếu được chính phủ tiểu bang và cơ quan môi trường cho phép, nó sẽ khai thác 40 triệu tấn than mỗi năm trong vòng 25 năm tới và tạo ra 1,58 tỷ tấn khí thải carbon. Trước những bằng chứng thuyết phục, Tòa án đất đai Queensland đã ra quyết định khu mỏ không được phép tiếp tục khai thác do các chất thải sẽ góp phần gây biến đổi khí hậu và phương hại tới các quyền lợi của con người, bao gồm cả trẻ em và các nhóm cư dân bản địa. Kể từ đó trở đi, kết quả từ phiên tòa này đã trở thành một tiền lệ quan trọng được trích dẫn trong các vụ kiện tương tự trên khắp thế giới.

Giáo sư Will Steffen qua đời ngày 29/1/2023, trong sự thương tiếc của gia đình và đồng nghiệp. Sự ra đi của ông quả thực là một mất mát lớn đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không chỉ ở nước Úc mà còn trên toàn cầu.