Tuần qua, giới khoa học thế giới đang nóng lên vì Science số mới (Số 366, ấn phẩm 6461, trang 20-21) cập nhật một vụ lùm xùm rất lớn - vấn đề ngụy tạo số liệu trong nghiên cứu của TS Oona Lönnstedt, nhà khoa học người Thụy Điển.
Một kết quả đáng kinh ngạc
Năm 2016, bài báo của TS Oona Lönnstedt đăng trên Science gây sốt trong cộng đồng nghiên cứu sinh vật biển. Đó là nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của vi nhựa (microplastics) lên cá vược1. Thiết kế thí nghiệm của nghiên cứu này cũng không có gì đặc biệt nhưng kết quả của nó thì rất đáng ngạc nhiên. Bởi vì hầu hết các nghiên cứu về ảnh hưởng của vi nhựa (microplastics có kích thước nhỏ hơn 5 mm) lên sinh vật biển cho đến giờ đều không tìm thấy ảnh hưởng có hại của microplastics ở nồng độ bình thường tìm thấy trong nước biển (ecologically relevant concentration). Để có thể tìm ra ảnh hưởng có hại của microplastics lên các sinh vật, các nhà nghiên cứu thường phải tăng nồng độ lên so với nồng độ tìm thấy trong nước biển hàng ngàn lần cho đến hàng triệu lần2. Đó chính là vấn đề mà các nhà nghiên cứu độc học môi trường vẫn đang có những tranh cãi rất lớn và gần như chia làm hai nhóm: phần lớn ủng hộ nghiên cứu microplastics và phần còn lại cho rằng đây là vấn đề bị thổi phồng quá mức. GS. Allen G. Burton Jr., tổng biên tập của tạp chí Environmental Toxicology and Chemistry, một trong 2 tạp chí của SETAC đã phải [chán ngấy] thốt lên rằng: “Tại sao các đồng nghiệp tiếp tục thổi phồng các vấn đề về vi nhựa?. Bất cứ chất nào ở nồng độ cao đều có khả năng gây hại tới sinh vật”3.
Nghiên cứu của TS. Oona Lönnstedt là kết quả duy nhất tìm thấy ảnh hưởng có hại của microplastics lên cá vược ở nồng độ đo được ngoài tự nhiên. Cụ thể, nghiên cứu này chứng minh rằng cá vược châu Âu (Perca fluviatilis) khi phơi nhiễm với microplastics trở nên ít vận động, phản ứng kém với các tín hiệu từ sinh vật dữ (predators) và bị predators bắt ăn thịt dễ dàng hơn. Đặc biệt, những con ấu trùng cá vược này thích ăn microplastics hơn là ăn con mồi tự nhiên của chúng.
Nghiên cứu này đã thực sự gây ra bùng nổ thông tin về microplastics trong mấy tháng liền trên toàn thế giới. Nó là bằng chứng rất sắc để tạo ra sự đồng thuận giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và công chúng để tìm ra những giải pháp tức thời cho thảm họa môi trường của microplastics. Nên nhớ, trước đó các nhà khoa học nói về nguy cơ (risk) của microplastics thì bây giờ TS. Oona Lönnstedt chứng minh microplastics là thảm họa thật sự (hazard). Với một đất nước bảo vệ môi trường như Thụy Điển, công bố của Oona Lönnstedt đã ngay lập tức đưa cô lên trở thành ngôi sao sáng chói trên bầu trời khoa học và nhận được nguồn tài trợ rất lớn để tiếp tục hướng nghiên cứu này.
Ngụy tạo số liệu nhưng không dễ kết tội
Tuy nhiên, ngay sau đó thì các nhà khoa học phát hiện ra nghiên cứu này có vấn đề. Khởi nguồn từ một đồng nghiệp ở Đại học Khoa học và Công nghệ NaUy (NTNU) có thời gian làm thí nghiệm trên trạm nghiên cứu Ar Research Station on Gotland cùng Oona Lönnstedt đã cho rằng Oona Lönnstedt không thể nào thực hiện được một nghiên cứu với số mẫu lớn như vậy dựa trên những gì cô đã thấy trên đảo. Oona Lönnstedt đáp lại là do người đồng nghiệp đó ghen tị với thành tích của mình nên tìm cách tấn công cá nhân. Tuy nhiên, một loạt các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới cùng vào cuộc kiểm tra lại và thấy rằng, chắc chắn có vấn đề. Họ yêu cầu Oona Lönnstedt gửi số liệu gốc nhưng Oona Lönnstedt nói rằng laptop của cô, nơi lưu trữ toàn bộ số liệu gốc đã bị trộm mất, không còn bằng chứng gì. Dưới áp lực của cộng đồng khoa học quốc tế, trường Đại học Upsala nơi Oona Lönnstedt công tác đã tổ chức điều tra và công bố không tìm thấy bằng chứng sai phạm. Nhưng giới khoa học không chịu để yên và tiếp tục lên tiếng, một tổ điều tra độc lập được tiến hành. Những bằng chứng thu được chống lại Oona Lönnstedt một cách rõ ràng nhưng vì không có số liệu gốc để đối chiếu nên cuối cùng Oona Lönnstedt vẫn không bị kết tội mà chỉ có một khuyến cáo chung là những kết quả này có vấn đề.
Đạo văn (plagiarism), sửa số liệu (data manipulation) và ngụy tạo số liệu (data fabrication) là những hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu khoa học nghiêm trọng. Trong những hành vi này thì sửa số liệu và ngụy tạo số liệu thường gây hậu quả lớn hơn rất nhiều so với đạo văn. Trong khi đạo văn chủ yếu ảnh hưởng tới uy tín của cá nhân nhà khoa học đó thì việc ngụy tạo số liệu không chỉ dẫn tới kết luận sai cho chính nghiên cứu đó mà có thể được trích dẫn, tạo ra hiệu ứng ảnh hưởng tới các nghiên cứu sau đó hoặc thậm chí là đưa ra khuyến nghị và hành động chính sách sai. Tuy nhiên, để phát hiện và ”luận tội” hành vi ngụy tạo hoặc sửa số liệu lại không hề dễ dàng.
Science rút bài báo của Oona Lönnstedt và có đăng cả một series các thông tin đi kèm nhưng Oona Lönnstedt chỉ bị “kết tội” chính thức là làm nghiên cứu trên cá mà không có giấy phép từ Ban Đạo đức trong nghiên cứu.
Tuy nhiên, mọi việc không dừng lại ở nghiên cứu trên Science. Các nhà khoa học còn phát hiện ra, nghiên cứu của Oona Lönnstedt thực hiện tại ĐH James Cook (JCU) trong thời gian cô này làm nghiên cứu sinh (2012) cũng có dấu hiệu giả mạo. Khi đó nghiên cứu của cô trên loài cá mao tiên (một loài cá tuyệt đẹp) cho thấy loài cá này sử dụng vây bụng làm tín hiệu để hợp tác trong quá trình săn mồi tập thể và chỉ hướng con mồi. Nó giống như con ong có điệu nhảy “waggle dance” để chỉ cho các ong thợ khác biết vị trí có hoa để đến đó lấy mật và phấn hoa. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Biology Letters4 của Royal Society danh tiếng của Vương quốc Anh. Kết quả nghiên cứu này quá hấp dẫn đến nỗi Oona Lönnstedt còn được tạp chí National Geographic phỏng vấn.
Tuy nhiên nghiên cứu của Oona Lönnstedt công bố sử dụng 86 cá mao tiên sọc và 16 cá mao tiên vây đốm nhưng trong sổ nhật ký thu mẫu thực địa chỉ ghi nhận cô này thu 12 và 3 cá thể cá mao tiên cho mỗi loại. Vì sao các nhà khoa học lại có thể phát hiện được thông tin trong sổ nhật ký thu mẫu? Đó là vì các thông tin này được lưu trữ và công bố công khai trên mạng.
Kết quả tranh luận liên quan đến sự kiện này dẫn đến việc GS Peter Ridd, người hướng dẫn của Oona Lönnstedt ở Đại học James Cook bị cho thôi việc vì liên tục chỉ trích vấn đề kiểm soát chất lượng của Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về rạn san hô – Trung tâm nghiên cứu quốc gia của Úc có trụ sở tại JCU. Hai giáo sư đồng hướng dẫn của Oona Lönnstedt ở Canada cũng phải giải trình. Tuy nhiên, sau đó GS Peter Ridd kiện lại JCU và JCU bị buộc phải bồi thường cho GS này 1.2 triệu AUD cho những tổn thất do bị sa thải không đúng luật. Mới đây, JCU đang khiếu nại lại phán quyết của tòa án.
***
Vụ việc của Oona Lönnstedt không chỉ gây chấn động giới nghiên cứu sinh học mà còn nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng khoa học nói chung, được cập nhật trên nhiều trang thông tin khoa học. Bởi vì hiện tượng ngụy tạo số liệu trong nghiên cứu thường rất ít xảy ra ở các trường đại học, các viện nghiên cứu trên thế giới vì các cơ sở nghiên cứu uy tín thường có quy trình kiểm soát tính minh bạch khoa học rất chặt chẽ. Để tránh những hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu khoa học, hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức tài trợ nghiên cứu lớn đều có những khóa học cho sinh viên, những nghiên cứu tập sự. Các nghiên cứu thường được kiểm tra chéo ngay trong chính nội bộ nhóm về quá trình thực hiện công việc và kết quả thí nghiệm. Hầu hết các nghiên cứu đều có sổ nhật ký hằng ngày, nên nếu ai đó muốn sửa đổi hay thay đổi kết quả là việc rất khó thực hiện. Tuy vậy, vụ việc này một lần nữa là bài học để các cơ sở nghiên cứu, các tạp chí khoa học cẩn trọng hơn trong quy trình đánh giá nghiên cứu, quản lý cơ sở dữ liệu gốc của các nghiên cứu, khảo sát.
Bài học cho Việt Nam? Trong những năm gần đây, ở Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ việc tranh luận gây ồn ào dư luận về vấn đề đạo văn trong nghiên cứu khoa học. Đạo văn cũng là một vấn đề nghiêm trọng về đạo đức nghiên cứu, nhưng theo quan điểm của người viết bài báo này, thì tác hại của đạo văn so với học thuật thấp hơn nhiều so với tác hại của ngụy tạo số liệu. Nếu đạo văn chỉ là gian lận nghiên cứu khoa học ở trình độ thấp thì ngụy tạo số liệu là gian lận khoa học ở trình độ cao hơn nhiều, tinh vi hơn và nguy hại hơn.
Do đó, việc quản lý cơ sở dữ liệu gốc của các nghiên cứu ở Việt Nam cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Các cơ sở nghiên cứu, cơ quan tài trợ nghiên cứu như NAFOSTED, các chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia có thể tạo ra những kho lưu trữ dữ liệu trực tuyến và để mở (open access). Các nhà khoa học nhận tài trợ buộc phải lưu trữ dữ liệu trên những cơ sở dữ liệu này. Điều này là rất cần thiết để có thể kiểm tra khi có những vấn đề liên quan đến một đề tài nghiên cứu. Quan trọng hơn, kho dữ liệu trực tuyến này sẽ là cơ sở cho những nghiên cứu big data (metadata) để hướng tới những nghiên cứu liên ngành, đa ngành hoặc những nghiên cứu phục vụ định hướng chiến lược khoa học công nghệ. Những nghiên cứu thuộc phạm trù bí mật quốc gia, bí mật khoa học công nghệ, hoặc liên quan đến những loài sinh vật quý hiếm cần được bảo vệ thì cơ sở dữ liệu có thể đóng băng (embargo) trong giới hạn 2, 5 hoặc 10 năm (tùy theo từng chương trình). Các tạp chí khoa học quốc tế thường cho phép các tác giả đóng băng số liệu gốc trong thời gian tối đa 2 năm kể từ ngày công bố kết quả nghiên cứu. |
Tài liệu tham khảo:
1. O. M. Lönnstedt, P. Eklov, Science 352, 1213 (Jun, 2016).
2. R. Lenz, K. Enders, T. G. Nielsen, Proceedings of the National Academy of Sciences 113, E4121 (July 19, 2016, 2016).
3. G. A. Burton, Environ. Sci. Technol. 51, 13515 (2017/12/05, 2017).
4. O. M. Lonnstedt, M. C. O. Ferrari, D. P. Chivers, Biology Letters 10, (Jun, 2014).