Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng (thứ hai từ phải sang) và TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM (ngoài cùng), TS. Hoàng Anh Tuấn , Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử (thứ hai từ trái sang) nghe cán bộ VINAGAMMA giới thiệu về dịch vụ chiếu xạ của Trung tâm. Ảnh: Kiều Anh.
Được xây dựng từ năm 1998 nhưng nền móng cho Trung tâm Nghiên ứng và triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) đã bắt nguồn từ những nghiên cứu sơ khai trên lò phản ứng Đà Lạt vào những năm 1980. Trên nền tảng khoa học đó, VINAGAMMA đã nhanh nhạy đón lấy các cơ hội, dù nhỏ nhất, để tự gây dựng danh tiếng và trở thành một thành viên trong tập thể mà như lời nhận xét của giáo sư Phạm Duy Hiển (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) trong lễ tổng kết hoạt động năm 2016 của VINATOM: “Chúng ta đã làm ra sản phẩm ứng dụng, qua đó giúp xác nhận được vị thế của ngành năng lượng nguyên tử trong nền kinh tế xã hội. Tất cả những cái đó đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học, theo cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp”.
Táo bạo trong cách nghĩ, cách làm
Thông thường, để có thể hoạt động tốt, một tổ chức khoa học cần có được những yếu tố cơ bản như nhân sự, kinh phí đầu tư, cơ sở vật chất thiết bị và một cơ chế vận hành… Nhìn bên ngoài, dường như VINAGAMMA không đi ngoài quy luật đó: một nhóm cán bộ nghiên cứu được chuyển từ Đà Lạt xuống, máy chiếu xạ công nghiệp đa năng nguồn Co-60 SVST-Co60/B mua của Hungary theo dự án chuyển giao công nghệ của IAEA, kinh phí 6,7 tỷ đồng từ Bộ KH&CN. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần của câu chuyện bởi trên thực tế, Trung tâm cần nhiều kinh phí hơn thế, dự kiến tổng đầu tư ban đầu cho Trung tâm vào khoảng 1,4 triệu USD. Vậy lấy thêm tiền cho Trung tâm ở đâu, nếu vay thì trả thế nào? Đây là những câu hỏi rất quan trọng với vận mệnh của VINAGAMMA bởi họ thậm chí còn phải hoàn trả Bộ KH&CN 70% kinh phí ban đầu (khoảng 4,7 tỷ) trong vòng 5 năm.
Vậy phải làm thế nào? Giải pháp “dĩ nhiên là phải đi vay ngân hàng”, câu trả lời bật ra từ ông Trần Khắc Ân, nguyên Giám đốc VINAGAMMA và là một trong những người đầu tiên tham gia thực hiện dự án. Hiện nay, việc vay vốn ngân hàng là chuyện hết sức bình thường nhưng vào cuối những năm 1990, chuyện “dĩ nhiên” ấy lại là một hành động táo bạo. “Người có ý tưởng dám làm là cố PGS. TS Nguyễn Tiến Nguyên (Viện trưởng VINATOM giai đoạn 1993-1998). Như vậy, mọi rủi ro [nếu có] thì người phải chịu là anh Nguyễn Tiến Nguyên và anh Bùi Văn Tuấn, viện phó - người ký các lần vay tiền)”, ông Trần Khắc Ân hồi tưởng lại những quyết tâm xuất phát từ niềm tin rất giản dị của ban lãnh đạo VINATOM khi muốn thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân vào phục vụ đời sống xã hội thông qua VINAGAMMA – điều mà họ tin rằng ngành năng lượng nguyên tử có thể làm được.
Đi vay là một việc làm táo bạo, nhất là trong bối cảnh Trung tâm chiếu xạ Hà Nội - một cơ sở khác của VINATOM ở ngoài Bắc được thành lập năm 1991, hoạt động còn chưa hiệu quả do không đủ hàng chiếu xạ. Liệu VINAGAMMA có rơi vào hoàn cảnh này? Một vài ý kiến nội bộ không thật sự đồng thuận về tương lai của VINAGAMMA cũng khiến những người lãnh đạo VINATOM phải suy nghĩ. Nhưng nếu không làm lúc này thì còn lúc nào? Việt Nam đang trong giai đoạn mở cửa, nhiều mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng thủy sản, cần được chiếu xạ diệt các vi sinh gây bệnh và kiểm soát lượng vi sinh trong sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn vào những thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, châu Âu.
Vậy là VINATOM đã tới Quỹ Hỗ trợ phát triển (nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam) vay số tiền 8 tỷ với lãi suất 1,1%/tháng và 3,5 tỷ với lãi suất 0,81%/tháng. “Theo tôi hiểu, vào thời gian đó chỉ có Quỹ Hỗ trợ phát triển với chức năng của nó mới dám cho một viện nghiên cứu vay tiền chứ các ngân hàng thương mại không dám cho vay bởi rủi ro cao, không có tài sản thế chấp và cũng chưa có tiền lệ”, ông Trần Khắc Ân nói.
Ngay từ những ngày đầu hoạt động, cán bộ Trung tâm đã nỗ lực làm chủ công nghệ và nội địa hóa máy chiếu xạ công nghiệp đa năng nguồn Co-60 SVST-Co60/B mua của Hungary. Nguồn: motthegioi.vn.
Rút cục, VINAGAMMA đã có được những thứ mình cần nhờ những người lãnh đạo VINATOM và phụ trách dự án dám “liều” như vậy. Thiết bị đã được đưa về lắp đặt tại Thủ Đức, TPHCM và một nhóm cán bộ kỹ thuật được cử sang Hungary thực tập trong vòng 1 tháng để nắm toàn bộ quy trình vận hành.
Lúc này, khó khăn mới lại đến: VINAGAMMA phải đối mặt với bài toán tìm thị trường giống như Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. “Nếu chỉ trông chờ vào chiếu xạ tiệt trùng các mặt hàng y tế thì chắc chắn là không biết bao giờ mới đủ tiền trả nợ”, ông Trần Khắc Ân – khi đó đã là Giám đốc VINAGAMMA, nhận xét. Để tìm khách hàng cho Trung tâm, ông và một số anh em đã phải tìm mọi cách gõ cửa từng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhỏ, “thậm chí vét cả tiền mua cái bút ‘xịn xịn’ một chút, gài vào tài liệu gửi họ với mong muốn họ nhớ đến thiện chí của mình”…
“Trước đây khi tôi đến, người ta không muốn tiếp tôi nhưng đến năm 2000 thì tôi nói đùa là họ đến thì tôi cũng không muốn tiếp. Là vì sao? Hàng đã kín rồi, mình tiếp mà không xử lý được hàng của người ta thì chết…”, câu bộc bạch của ông Trần Khắc Ân đã gói gọn quãng thời gian mò mẫm tìm thị trường và thành công đến sớm của VINAGAMMA sau hai năm mở dịch vụ chiếu xạ. Ông tính sơ bộ, tiền đổ vào cái máy chiếu xạ SVST-Co60/B là 25 tỷ, trong đó tiền viện trợ của IAEA là hơn 5 tỷ cho nên “thực chất mình chỉ phải bỏ tiền đầu tư gần 20 tỷ, sau hai năm rưỡi thì VINAGAMMA trả lại Quỹ Hỗ trợ phát triển cả gốc lẫn lãi 15,1 tỷ, trả lại Bộ KH&CN 4,7 tỷ”.
Tự chủ đem lại đột phá
Trải qua vất vả những ngày đầu, VINAGAMMA đã trở thành một trong những đơn vị nghiên cứu triển khai hiệu quả nhất VINATOM qua việc phát triển dịch vụ chiếu xạ hàng hóa xuất khẩu cho các doanh nghiệp phía Nam – điều chứng thực cái “nhìn xa trông rộng” của lãnh đạo VINATOM. Hiệu quả kinh tế đã thấy rõ khi tính trung bình, hiện mỗi năm Trung tâm với 78 cán bộ làm ra được 65 tỷ đồng.
Một bài toán đặt ra cho VINAGAMMA: làm ra tiền “cao gấp 10 lần nhưng đồng lương trả cho anh em không thể cao gấp 10 lần, thật không phải với anh em”, ông Trần Khắc Ân kể. Do cơ chế vận hành của VINAGAMMA vẫn phải theo quy định của Nhà nước nên “vừa nghiên cứu và vừa kinh doanh trong cái áo quá chật”. Vậy tháo gỡ bằng cách nào?
Cái cảm giác “không phải với anh em” đó của lãnh đạo VINAGAMMA chỉ được cởi bỏ khi Nghị định 115 về cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập ngày 5/9/2005 ra đời. Chớp cơ hội này, VINAGAMMA đã bắt tay vào làm đề án chuyển đổi để ngày 1/1/2007 chính thức trở thành “đơn vị 115” đầu tiên của VINATOM. Theo ông Trần Khắc Ân, một trong những hiệu quả đầu tiên của VINAGAMMA là “anh em không ai còn phải làm thêm ở ngoài nữa mà chỉ tận tâm làm việc ở đây”.
Tuy nhiên, hiệu quả lớn hơn là VINAGAMMA có quyền tự chủ trong hợp tác liên kết và đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu, mua thiết bị. “Nếu không có 115 thì làm sao tôi có thể đi vay Quỹ Nafosted 5 tỷ và huy động vốn từ anh em gần 5 tỷ để mua nguồn phóng xạ được”, câu nói của ông Trần Khắc Ân gợi lại một câu chuyện cũ của VINAGAMMA năm 2013, khi nguồn phóng xạ của Trung tâm đã giảm nhiều mà nguồn đặt mua ở Ấn Độ chưa về. Vậy là ông quyết định vay Quỹ Nafosted với bảo lãnh của TS. Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ KH&CN thời kỳ đó, “vào TPHCM họp, anh nói vui ‘ai chứ ông Ân mà vay thì tôi sẵn sàng thế chấp cả nhà tôi’”. Mặt khác, mặc dù cũng mới thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh vốn vay, cho vay để thực hiện nhiệm vụ KH&CN đột xuất, mới phát sinh thì Quỹ NAFOSTED vẫn tin tưởng vào khả năng hoàn vốn của VINAGAMMA. Theo TS. Đỗ Tiến Dũng, giám đốc Quỹ NAFOSTED, nhìn vào chữ tín của Trung tâm, anh biết điều này sẽ đến, dù chuyện cho vay như vậy cũng ẩn chứa rủi ro.
Các cán bộ của VINAGAMMA đã thực hiện nhiều nghiên cứu để xác định được liều chiếu xạ hợp lý, có thể kiểm soát vi sinh và diệt vi sinh gây bệnh trên thực phẩm chiếu xạ. Nguồn: VINAGAMMA.
Đánh giá lại chuyện mạnh dạn vay vốn và có được sự đồng thuận của anh em trong công việc, ông Trần Khắc Ân tâm đắc: “Ý nghĩa của một cơ quan tự chủ tự chịu trách nhiệm cũng là ở chỗ đấy. Trước đây không ai làm được chuyện như thế cả, Nghị định 115 chính là là cách để ‘cởi trói’, cho VINAGAMMA có điều kiện làm việc tốt hơn”.
Thành công của “vụ vay vốn mua nguồn phóng xạ” đã góp phần giúp VINAGAMMA mạnh dạn đề xuất phương án mở rộng năng lực tiếp theo: mua máy gia tốc chùm tia điện tử UELR-10-15S2, kinh phí đầu tư 47,5 tỷ. TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM, đánh giá, “việc đưa công nghệ chiếu xạ mới với máy gia tốc chùm tia điện tử là bước đột phá của Trung tâm. Họ dám bước ra khỏi ‘vùng an toàn’ quen thuộc để tiến tới làm chủ một thiết bị có công nghệ cao hơn và khó hơn: máy gia tốc chùm tia điện tử có độ phức tạp cao hơn rất nhiều so với máy chiếu xạ nguồn Co-60 về điện tử điều khiển, điện tử sóng cao tần, kỹ thuật chân không, cơ khí...” Tuy nhiên, cỗ máy mới này có khả năng mở ra khả năng nghiên cứu mới cho cho Trung tâm về xử lý chất thải độc hại như xử lý dioxin, loại bỏ khí SOx và NOx trong khói nhà máy nhiệt điện than, và nghiên cứu vật liệu như chế tạo vật liệu co nhiệt… - những vấn đề rất thiết thực với Việt Nam trong nhiều năm tới.
Mặt khác, là đơn vị tự chủ nên chỉ có mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng các dịch vụ khoa học mới giúp VINAGAMMA đảm bảo doanh thu. Việc đầu tư vào máy gia tốc chùm tia điện tử sẽ giúp VINAGAMMA có một tổ hợp 2 máy, trong đó SVST-Co60/B cũ chiếu xạ các mặt hàng nặng và UELR-10-15S2 thích hợp với hàng có mật độ nhẹ hơn, năng suất xử lý cao gấp 3 lần, đảm bảo tăng doanh thu ít nhất lên gấp 2 lần và đảm bảo chiếu xạ với hiệu suất cao nhất cho mọi loại hàng.
Và thực tế thì họ đã đúng, dự án hoàn vốn chỉ sau 3 năm vận hành và sau 6 năm, doanh thu Trung tâm liên tục gia tăng do máy gia tốc chùm tia điện tử đảm bảo chiếu xạ 62% lượng hàng còn nguồn Co-60 là 38%. “Tính ra VINAGAMMA còn ‘lãi’ về năng lực chuyên môn, cái này không tính được bằng tiền”, ông Nguyễn Thành Cương – giám đốc VINAGAMMA hiện nay, nhận xét. Từng là trưởng phòng Phòng vận hành máy gia tốc chùm tia điện tử những năm trước, ông Cương và anh em đã thực hiện phương án: giao cho cán bộ trẻ nhiệm vụ làm chủ công nghệ mới; xây dựng quy trình vận hành và bảo dưỡng máy, xây dựng tài liệu kỹ thuật với những giải thích cụ thể, chi tiết; giữ mối liên hệ với đơn vị cung cấp máy để họ hỗ trợ đào tạo song song với việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị. Do đó, “chỉ sau 6 năm vận hành, các cán bộ trẻ của VINAGAMMA đã làm chủ được công nghệ”, ông Cương cho biết.
Đưa công nghệ bức xạ đến với thị trường
Câu chuyện gây dựng “cơ đồ” của Vinagama trong 20 năm không chỉ gắn liền với những chuyển đổi về cơ chế quản lý của Bộ KH&CN mà còn theo sát những bước chuyển mình của ngành nông nghiệp với các mặt hàng xuất khẩu. Ông Trần Khắc Ân cho biết:“Ngày đầu, phần lớn mặt hàng chúng tôi chiếu xạ là tôm cá, đùi ếch đông lạnh theo khối nhưng sau này, các mặt hàng phong phú dần lên, có nhiều loại sản phẩm chế biến như phi lê cá tra, cá ngừ ngâm dầu, tôm tẩm bột… Để phù hợp với từng loại mặt hàng mới, chúng tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu liều bức xạ phù hợp, chế độ chiếu thích hợp. Trước đây ta đã có một số nghiên cứu ở Đà Lạt tập trung vào kéo dài thời gian bảo quản của thực phẩm, tức là diệt nấm mốc, vi sinh gây bệnh nhưng nay mục đích là chiếu xạ để kiểm soát vi sinh và diệt vi sinh gây bệnh”.
Thành công của VINAGAMMA đã đem đến gợi ý cho các doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc - những nơi không ngần ngại đầu tư “cả đống tiền” vào thiết bị nhưng lại thiếu kiến thức chiếu xạ. Do đó, họ tìm đến VINAGAMMA để nhờ tư vấn. Tất cả những kinh nghiệm chiếu xạ về chỉ số liều bức xạ các mặt hàng, thời gian chiếu… cũng như những hiểu biết về vận hành thiết bị đều được VINAGAMMA chia sẻ một cách tận tình với các doanh nghiệp tư nhân. Kết quả là nếu năm 1999, ở Việt Nam chỉ có một máy chiếu xạ công nghiệp thì 20 năm sau, đã có 10 máy chiếu xạ, trong đó 8 chiếc thuộc về các doanh nghiệp tư. Khi được hỏi vì sao không sợ cạnh tranh, cả ông Trần Khắc Ân và ông Nguyễn Thành Cương đều cười: không nên ôm khư khư kỹ thuật cho mình, hơn nữa “trung tâm vẫn có thể cạnh tranh bằng chất lượng chiếu xạ, tốc độ xử lý và giá cả vì rất đơn giản là máy đã khấu hao xong từ lâu”, ông Ân lý giải.
Không chỉ là tư vấn, mối quan hệ hợp tác giữa VINAGAMMA và giới doanh nghiệp còn hứa hẹn mở rộng thêm một bước nữa, đó là liên kết sản xuất dược chất phóng xạ để đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân tại TPHCM và khu vực lân cận. Trước đây đã có phương án chuyển dược chất phóng xạ từ Hà Nội vào nhưng các dược chất này có chu kỳ bán rã khoảng 105 phút nên việc vận chuyển không khả thi. Theo ông Nguyễn Thành Cương, “dù chuyện hợp tác với công ty Rạng Đông mới chỉ bắt đầu nhưng chúng tôi hi vọng vào khả năng giảm giá thành dược chất phóng xạ trong thời gian tới”.
***
Giữa những thành công như vậy, VINAGAMMA vẫn còn nhiều suy nghĩ để có thể làm tốt hơn. Sau hơn 10 năm, Nghị định 115 đã trở thành cái áo quá chật và Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập để thay thế Nghị định 115 có những giới hạn về lương bổng khiến VINAGAMMA còn “lấn cấn” nhiều điều, ví dụ như cán bộ của họ không được hưởng phụ cấp nghề nghiệp. “Thế là thế nào? Trong quy định nói là chỉ có những người được hưởng lương từ ngân sách mới được nhận phụ cấp nghề nghiệp. VINAGAMMA là đơn vị tự chủ tự chịu trách nhiệm nhưng vẫn là đơn vị của nhà nước, thực hiện nhiệm vụ của nhà nước giao thì tại sao anh em không được hưởng chế độ này? Tôi nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo Bộ: các anh không cần mất thêm kinh phí từ ngân sách mà chỉ cần cho phép cho anh em được hưởng phụ cấp nghề nghiệp, còn tôi lấy tiền từ dịch vụ cho anh em hưởng chứ có lấy tiền ngân sách đâu. Tuy nhiên cho đến giờ này thì vẫn chưa được…”, ông Ân nói.
Để thoát khỏi suy nghĩ “ông chỉ tốt với nhà nước nhưng xét cho cùng vẫn có lỗi với anh em”, ông Ân và ban lãnh đạo VINAGAMMA đã kiến nghị với Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng về những điều bất cập này ngay trong buổi lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng III và kỷ niệm khánh thành 20 năm máy chiếu xạ vào tháng 11/2018 vừa qua. “Thật may là Thứ trưởng đã ghi nhận những bất cập đó và nói sẽ có những văn bản hướng để tháo gỡ”, ông Nguyễn Thành Cương cho biết.
Rất có thể một số quy định mới về cơ chế tự chủ sẽ tới với các tổ chức KH&CN công lập, và có thể sẽ lại cho VINAGAMMA những cơ hội phát triển mới.¨
---
1. VINAGAMMA hình thành trên cơ sở dự án “Cơ sở chiếu xạ khử trùng TPHCM”do Bộ KH&CN phê duyệt và dự án án hợp tác kỹ thuật VIE/8/010 do IAEA tài trợ.
Trong quá trình làm chủ hai thiết bị chính, các cán bộ của VINAGAMMA luôn tìm nhiều cách cải tiến, nội địa hóa từng chi tiết nhằm đem lại những hiệu quả tốt nhất trong chiếu xạ sản phẩm, đặc biệt là máy chiếu xạ Cobalt 60. Đây là cơ sở để sau này, họ tiến tới lắp đặt hai máy chiếu xạ đầu tiên của Việt Nam mang tên VINAGA1, 2, trong đó chiếc thứ hai mới được bán cho Sở KH&CN Đồng Nai – nơi cũng mong muốn có được thiết bị chiếu xạ cho sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với những kinh nghiệm đó, họ được Bộ KH&CN giao nhiệm vụ thực hiện dự án Nghị định thư “Lắp đặt hệ đảo hàng và hệ điều khiển máy chiếu xạ nguồn Cobalt-60 của Viện nghiên cứu Thực phẩm La Habana, Cuba”. Nhìn lại, ông Trần Khắc Ân cho rằng, việc cải tiến phần kỹ thuật không khó, “ăn nhau là có ý tưởng và dám làm”.