Mùa bốn chương trình truyền hình thực tế Shark Tank năm 2021, thu hút khán giả với những màn thương thảo giằng co gay cấn nhưng chỉ có 10,4% số tiền các Shark cam kết đầu tư được giải ngân. Vì sao như vậy?
Góc nhìn của nhà đầu tư
Shark Tank Việt Nam – chương trình truyền hình về khởi nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều startup Việt Nam với dàn cá mập uy tín đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Mùa bốn (tức năm 2021), Shark Tank nhận được 1200 hồ sơ đăng ký và chỉ có 54 startup thuộc 20 lĩnh vực khác nhau vượt qua quá trình thẩm định, casting để được ghi hình. Việc chỉ có 10% số tiền cam kết được giải ngân, trong đó có nhiều Shark không giải ngân đồng vốn nào khiến khán giả đặt câu hỏi và cả sự nghi ngờ rằng “shark chỉ lên sóng vậy thôi chứ không xuống tiền”.
True Platform là một startup tại Việt Nam nhận được 3,5 triệu USD tại vòng gọi vốn ‘hạt giống.’
Tuy nhiên, điều mà khán giả biết chỉ là hơn 20 phút trao đổi về ý tưởng, mô hình kinh doanh, trình bày các con số sơ bộ về quá trình kinh doanh cho các Shark rồi quyết định thương thảo đầu tư. Phía sau câu chuyện ngắn ngủi ấy, để các cá mập thật sự xuất tiền còn là một quá trình thẩm định gắt gao. Việc ra quyết định không chỉ các Shark mà còn cần đến cả một hội đồng đánh giá, startup thực sự có tiềm năng tăng trưởng hay không?
Ông Bùi Thành Đô - Giám đốc điều hành của ThinkZone Ventures từng chia sẻ trong hội thảo về Thu hút vốn đầu tư cho khởi nghiệp hồi cuối tháng sáu rằng: “Chúng ta nên coi việc đầu tư ươm tạo khởi nghiệp cũng là một loại hình doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp cần xác định rõ sản phẩm đầu tư của mình. Ví như ThinkZone, chúng tôi xác định rõ khẩu bị đầu tư, và yêu cầu các startup gọi vốn phải biết rõ họ đang trong cuộc chơi nào, với sản phẩm nào, phân khúc thị trường ra sao, đối thủ là những ai và có chiến lược marketing nào”.
Cùng với quan điểm đó mà Vietnam Silicon Valley – một trong những quỹ đầu tư sớm cho khởi nghiệp đã đạt được nhiều kết quả không ngờ.
Bà Thạch Lê Anh – Nhà sáng lập của VSV cho biết, từ khi chỉ có trong tay ngót nghét 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) ở thời điểm năm 2012. Giờ đây, sau 10 năm, VSV có năm quỹ với tổng trị giá 7 triệu USD và đầu tư cho 90 startup, tổng giá trị đầu tư là 300 triệu USD.
Bà Thạch Lê Anh hào hứng nói:”Nhìn vào những con số đó có thấy đầu tư mạo hiểm không? Với người biết cách đầu tư thì không mạo hiểm. Chúng tôi đã làm ra 300 triệu USD từ 7 triệu USD thì không hề mạo hiểm”.
Những thành công của VSV hay ThinkZone hoặc nhiều quỹ đầu tư khác trên thế giới khiến người ta tin, đầu tư mạo hiểm không hề mạo hiểm như tên gọi của nó. Để đi đến quyết định đầu tư là một quá trình thẩm định gắt gao.
Còn nhớ, trong buổi công bố gọi vốn vòng series D của MoMo, ông Phạm Thành Đức– Tổng giám đốc Ví điện tử MoMo đã cho biết, để đi đến quyết định đầu tư, dù ở bên kia địa cậu, nhưng các nhà đầu tư của thung lũng Silicon với hệ thống chân rết ở Việt Nam cùng các công ty nghiên cứu thị trường để thực hiện những cuộc điều tra thị trường, con người, tập quán tiêu dùng của Việt Nam cũng như vai trò, sức ảnh hưởng của Momo tại thị trường. Ban điều tra kỹ đến mức, ông Đức thừa nhận: “Họ hiểu người Việt còn hơn người Việt hiểu về mình. Họ hiểu về MoMo hơn cả chúng tôi hiểu về mình”. Trong khi đó, ông Eric Kim, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Goodwater Capital - một trong sáu nhà đầu tư của MoMo cũng cho biết đơn vị này thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn với đối tác và người dùng của MoMo để đi đến quyết định.
Sự thẩm định kỹ càng của startup
Câu chuyện của MoMo là một ví dụ điển hình cho thấy, sẽ không có chuyện chỉ cần một vòng trò chuyện là đủ để nhà đầu tư ra quyết định xuống tiền. Anh Bùi Thành Đô cho biết, với các startup đang ở giai đoạn rất sớm đến trước series A, điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất chính là “đội ngũ nhà sáng lập”. Triết lý của ThinkZone là không đầu tư vào các startup chỉ có một nhà sáng lập, với họ yếu tố này quá rủi ro. Để một startup thành công cần có nhiều kỹ năng và kiến thức khác nhau nên cần có một nhóm để mỗi người phụ trách một phần như xây dựng sản phẩm, bán hàng, tài chính, vận hành công ty.
“Trong quy trình gọi vốn, sẽ có giai đoạn nhà đầu tư gặp toàn bộ đội ngũ sáng lập. Càng đến giai đoạn sau, khi mà lượng vốn ngày càng nhiều, nhà đầu tư còn gặp gỡ đến những nhà quản lý cấp trung. Đơn cử như ThinkZone khi đầu tư một startup quy mô 800 nhân sự đã trao đổi đến bộ phận quản lý phòng ban. Tất nhiên trước đó, việc thẩm định đã diễn ra với bộ phận pháp chế, tài chính, đội phát triển kỹ thuật, nhân sự. Nhiều startup gọi vốn từ vài chục triệu USD trở lên thậm chí phải thuê đội ngũ chuyên nghiệp hỗ trợ, như cách nhiều startup thuê các công ty kiểm toán hay tư vấn pháp lý để đảm bảo các thông tin đưa đến nhà đầu tư”- ông Bùi Thành Đô giải thích.
Với kinh nghiệm đầu tư tại VSV, bà Thạch Lê Anh cũng thừa nhận điều này. Bởi, các startup thay đổi mô hình rất nhanh để phù hợp với diễn biến thị trường thực tế và thị hiếu khách hàng. Vì thế, đầu tư vào một đội ngũ giàu kinh nghiệm thực chiến, giàu tham vọng và đã có trong tay sản phẩm lõi mới là điều mà nhà đầu tư ưu tiên xem xét.
Ông Phạm Trung - Head of Operations & Finance, Datbike – startup đã kinh qua nhiều vòng gọi vốn và gặp hàng trăm nhà đầu tư cũng thừa nhận rằng, mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau, nhưng có điểm chung là đều quan tâm tới đội ngũ con người.
“Họ rất sát sao với vấn đề đội ngũ trước khi quyết định có rót vốn không. Nếu đội ngũ không tốt họ sẽ từ chối luôn mà không chần chừ” – ông Trung nói. Trong đó, mỗi vòng gọi vốn sẽ có yêu cầu khác nhau về nhân sự. Càng ở những vòng sau, nhà đầu tư sẽ quan tâm tới đội ngũ quản lý cấp trung, tức là những người giỏi ở công ty khác mà nhà sáng lập thuyết phục được về “chung thuyền”. Thậm chí khi nói chuyện với những đội ngũ này, nhà đầu tư sẽ hỏi nhiều vấn đề, từ tầm nhìn sứ mệnh của công ty tới năng lực của đội ngũ mà startup thu hút được.
Câu chuyện này nghe đơn giản nhưng lại quyết định lớn đến chuyện rót vốn. Khi công ty nhỏ, yêu cầu về đội ngũ vừa vừa, nhưng công ty càng lớn thì yêu cầu với đội ngũ cấp cao càng lớn.
“Khi đội ngũ có những chuyên gia đến từ các tập đoàn lớn (big corp) sẽ khiến nhà đầu tư yên tâm rằng, người này có thể vận hành được hệ thống, tập khách hàng ở quy mô lớn. Điều đó cũng chứng minh năng lực của đội ngũ founder trong quản trị và thu hút nhân tài. Không đơn giản mà những người đó bỏ công việc ở một tập đoàn lớn về đầu quân cho startup non trẻ. Công ty phải có đủ tiềm năng, quản trị vận hành phải tốt, văn hóa doanh nghiệp ổn mới thu hút và giữ chân được họ về làm việc” – ông Phạm Trung giải thích. Một kinh nghiệm khác mà Đạt Bike cũng nhắn nhủ tới startup là không đi gọi vốn lúc doanh nghiệp khó khăn. Bởi không có cách gì để bán được giá một sản phẩm bị lỗi và không có khả năng phát triển.
Câu chuyện gọi vốn của startup vẫn luôn là vấn đề muôn thuở. Việc đầu tư hàng trăm nghìn đô rồi tới vài triệu, vài chục triệu đô vào một startup chắc chắn không thể là chuyện mà một người có thể quyết định. Bởi nó quá rủi ro. Chính Shark Phạm Thành Hưng từng kể lại trải nghiệm bản thân “Có startup nhận đầu tư xong rồi biến mất, không nói một lời. số điện thoại không liên lạc được mà đến văn phòng cũng đã vườn không nhà trống”. Những bài học đắt giá đó chắc chắn càng khiến nhà đầu tư thêm thận trọng trước mỗi quyết định đầu tư.
Xây dựng không gian riêng cho các nhà đầu tư thiên thần
Bà Thạch Lê Anh và các cộng sự tại VSV đã xây dựng một không gian đầu tư mạo hiểm cho các nhà đầu tư có tiền nhưng chưa hiểu rõ về đầu tư mạo hiểm, được gọi là “Corner angle”.
Những nhóm nhà đầu tư này có những mối liên hệ gần gũi thân thiết như bạn cấp 1, cấp 2 hoặc cấp 3, mỗi nhóm sẽ có một người dẫn dắt. Thay vì lựa chọn những không gian gặp gỡ nghiêm túc, mang tính văn phòng, các nhà đầu tư gặp nhau ở địa điểm dễ chịu, thoải mái. Số tiền góp vốn cũng không nhiều, dao động ở mức vài tỷ đồng, tùy số lượng thành viên.
“Cần để nhà đầu tư hiểu về việc đầu tư và dám đầu tư cho cái mới. Nhờ những nhóm đầu tư này mà Base.vn đã được ngân hàng VIB quyết định sử dụng thử nghiệm phần mềm tuyển dụng. Điều này nhờ vào việc một nhà đầu tư trong nhóm đến từ ngân hàng, nên họ có cơ hội tiếp cận và hỗ trợ” – bà Thạch Lê Anh giải thích.
Mô hình này đã được bà Lê Anh và VSV đưa đến Nghệ An và đã thành lập được một quỹ 3,7 tỷ đồng với sự tham gia của 19 nhà đầu tư. Trong đó, Giám đốc Sở KH&CN và nhiều cán bộ cũng tham gia góp vốn.
Bích Ngọc (Ghi) |