“Chúng tôi chưa bao giờ thấy thứ gì giống như ngôi sao này,” Tabetha Boyajian, một nhà nghiên cứu bậc sau tiến sỹ thuộc đại học Yale cho biết trên tờ The Atlantic. “Nó rất kỳ lạ. Chúng tôi nghĩ rằng có thể đó là do dữ liệu hỏng hoặc do chuyển động của tàu vũ trụ, nhưng mọi thứ đều hoạt động tốt.”
Ngôi sao có mã số KIC 8462852 cách Trái Đất khoảng 1.500 năm ánh sáng. Được phát hiện bởi kính viễn vọng không gian Kepler của NASA, ngôi sao này có hồ sơ ánh sáng hết sức lạ lùng, với những thay đổi lớn về độ sáng. Gần như cứ mỗi 750 ngày lại có hai lần giảm độ sáng đều đặn.
Theo các nhà khoa học, sự phát xạ bất thường như vậy có thể là một dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của trí thông minh ngoài hành tinh.
Tháng 9 vừa qua, Boyajian đã công bố nghiên cứu mang tên ‘'Planet Hunters X. KIC 8462852 - Where’s the flux? [WTF, you say?],’ trong đó chị miêu tả mô hình phát sáng kỳ lạ của ngôi sao và các siêu cấu trúc xung quanh.
Theo quan sát của Boyajian, các “hoạt động giảm” của ngôi sao có thể kéo dài “trong khoảng thời gian từ 5 đến 80 ngày.”
Jason Wright, một nhà thiên văn học thuộc đại học bang Pennsylvania, cho biết anh đang có kế hoạch công bố một báo cáo khác về những siêu cấu trúc kỳ lạ xung quanh ngôi sao này.
“Khi [Boyajian] cho tôi xem dữ liệu, tôi đã rất hào hứng khi thấy nó lạ lùng đến mức nào,” Wright cho biết. “Lẽ ra người ngoài hành tinh phải là giả thuyết cuối cùng được xem xét tới, nhưng những dữ liệu này giống như những gì bạn theo dõi được từ một nền văn minh ngoài hành tinh vậy.”
Wright và Boyajian đã hợp tác với Andrew Siemion, giám đốc trung tâm nghiên cứu SETI thuộc đại học California, Berkeley, để sử dụng kính viễn vọng radio để nghe ngôi sao nói trên.
Nếu họ phát hiện được tín hiệu nhân tạo, họ sẽ đề nghị được sử dụng kính đo giao thoa vô tuyến VLA để xác định xem các tín hiệu radio này có phải đúng là được gửi đi từ một nền văn minh ngoài Trái Đất hay không./.