Một trong những loại vaccine thử nghiệm Covid-19 hàng đầu thế giới đã tạo ra phản ứng miễn dịch ở cả người già cũng như trẻ nhỏ. Điều này đã mang đến hy vọng cho việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong dịch Covid-19.

Các kỹ thuật viên xử lý các lọ trong quá trình thử nghiệm sản xuất vaccine Covid-19 của Đại học Oxford. Ảnh: Vincenzo Pinto/AFP/Getty
Các kỹ thuật viên xử lý các lọ trong quá trình thử nghiệm sản xuất vaccine Covid-19 của Đại học Oxford. Ảnh: Vincenzo Pinto/AFP/Getty

Cả Đại học Oxford và đối tác thương mại AstraZeneca đều chưa công bố dữ liệu cụ thể và thông tin đang được gửi cho một tạp chí để bình duyệt nhưng hãng AstraZeneca đã xác nhận những phát hiện cơ bản về vaccine AZD1222, tại một buổi họp kín. Các thử nghiệm giai đoạn hai đã chỉ ra rằng những người trên 56 tuổi (một số trên 70 tuổi) đã tạo ra kháng thể cùng một loại như trên những người tham gia thử nghiệm trẻ tuổi.

Liệu người cao tuổi có được vaccine bảo vệ hay không luôn là một câu hỏi then chốt đối với các loại vaccine đang được phát triển. Hệ thống miễn dịch tự nhiên có khả năng chống lại bất kỳ loại virus nào xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, nó lại suy yếu theo tuổi tác. Đó là lý do tại sao tỷ lệ tử vong do Covid tăng lên ở người lớn tuổi.

Mặc dù một số ít người trong số họ gặp phải các vấn đề như đau cánh tay. Nhưng điều đáng khích lệ là, dữ liệu cho thấy ít tác dụng phụ hơn được nghi nhận lại ở những tình nguyện viên lớn tuổi - các nhà khoa học gọi chúng là: phản ứng liên hệ miễn dịch (reactogenicity).

“Thật đáng khích lệ khi thấy các phản ứng sinh miễn dịch tương tự nhau giữa người lớn tuổi và những người trẻ, đặc biệt là khả năng gây tác dụng phụ thấp hơn ở người già. Họ là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19.”, người phát ngôn của hãng AstraZeneca cho biết.

.

AstraZeneca cho biết họ hy vọng vaccine có thể sẵn sàng để sử dụng cho trường hợp khẩn cấp trong những tháng tới. Người phát ngôn cho biết: “Nếu được chấp thuận sử dụng, vaccine tiềm năng này có thể sẵn sàng để sử dụng trước cuối năm nay”.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia ở ngoài công ty và cả Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh, Matt Hancock cho rằng sẽ khó có vaccine cho đến năm 2021. Khi được hỏi liệu một số người có thể nhận được vaccine trong năm nay hay không, Hancock nói với tờ BBC: “Tôi không loại trừ điều đó, nhưng đó cũng không phải là kỳ vọng của tôi ”.

Hancock cho biết vaccine vẫn chưa có nhưng ông đang chuẩn bị các thủ tục để sẵn sàng cho trường hợp có vaccine sớm – có thể là vào nửa đầu năm 2021. AstraZeneca đã cam kết sản xuất hàng loạt với số lượng khoảng 3 tỷ liều. Số lượng liều này tương đương cung cấp đủ cho 1,5 tỷ người trên toàn cầu, mỗi người hai liều. Họ cũng đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ.

Các thử nghiệm cuối cùng (giai đoạn ba), nhằm đánh giá sự khác biệt giữa những người được tiêm và những người không được tiêm chủng trên diện rộng đang diễn ra ở sáu quốc gia. Các thử nghiệm ở Mỹ đã bị tạm dừng sau khi một tình nguyện viên ở Anh bị ốm, đã được tái tiếp tục. Các quốc gia khác tham gia là Nam Phi, Brazil, Nhật Bản và Ấn Độ.

Vaccine dự kiến của AstraZeneca và ĐH Oxford ​​sẽ là một trong những loại vaccine đầu tiên từ các hãng dược phẩm lớn để đảm bảo sự chấp thuận sử dụng theo quy định, cùng với một loại vaccine từ Pfizer và BioNTech mới được công bố trước đó vài ngày.

Công cuộc nghiên cứu vaccine Oxford đã được bắt đầu vào tháng một. Vaccine AZD1222 hay ChAdOx1 nCoV-19 là một loại vaccine mang vectơ của virus, được sản xuất từ ​​một phiên bản suy yếu của virus cảm lạnh thông thường gây nhiễm trùng ở tinh tinh.

Stephen Evans, giáo sư dược học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cảnh báo rằng không nên đưa ra kết luận nào về hiệu quả của vaccine cho đến khi dữ liệu được công bố. “Để nhận xét đúng về điều này, chúng tôi cần xem dữ liệu,” ông nói.

“Điều đáng khích lệ là các nhà khảo sát cho rằng các phản ứng miễn dịch đo được trong máu dường như cho thấy sự hiệu quả ở cả trên hay dưới độ tuổi 70. Các thử nghiệm giai đoạn cuối là cần thiết, để xem liệu các phản ứng miễn dịch có chuyển thành hiệu quả lâm sàng trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng hay không. Những điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến số lượng lớn bệnh nhân. Nhưng điều khôn ngoan là không nên quá lạc quan cho đến khi những thử nghiệm đó hoàn thành.” Stephen cho biết thêm. “Mức độ kháng thể trong máu tăng lên nhưng không đảm bảo khả năng bảo vệ khỏi virus nhân lên trong cơ thể”, ông nói.

Chương trình COVAX

Để ngăn chặn tình trạng chỉ những nước giàu tiếp cận với vaccine, WHO, các đối tác của mình là Gavi cùng với Liên minh Đổi mới và Chuẩn bị sẵn sàng cho Dịch bệnh đã đưa ra một cơ chế toàn cầu để phân bổ vaccine khi đã có sẵn. Đó là chương trình COVAX nhằm đảm bảo rằng mỗi quốc gia tham gia có thể tiêm chủng cho 20% dân số của mình.

Nhưng mục tiêu bao phủ tiêm chủng vaccine 20% dân số là quá thấp với một số quốc gia bởi vì các ước tính đều cho thấy rằng mức độ tiêm phòng trên 60-70% là cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng đối với SARS-CoV-2 (ngưỡng mà virus không thể lây lan vì hầu hết mọi người đều được bảo vệ chống lại sự lây nhiễm). Vì thế nhiều nhà khoa học lo ngại là một số quốc gia giàu có thực hiện các thỏa thuận riêng của họ trực tiếp với các công ty. Ví dụ, Hoa Kỳ cho biết họ sẽ không tham gia COVAX, và thay vào đó đã cam kết chi hàng tỷ USD cho các nhà sản xuất trong một chương trình có tên Chiến dịch Warp Speed.

Với khả năng sản xuất còn hạn chế trong khi nhu cầu vaccine rất cao, các quốc gia giàu có và các nhà sản xuất vẫn thường đàm phán các thỏa thuận song phương như vậy. Nhưng những thỏa thuận này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc chiến giá cả, và sẽ làm giảm tỷ lệ tiêm chủng của vaccine ở nhiều quốc gia, gây thiệt hại cho tất cả mọi người.

Trước đây, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các nước khác đua nhau dự trữ oseltamivir, một loại thuốc dùng để điều trị đại dịch cúm gia cầm H5N1 năm 2004, để chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai. Và khi bắt đầu đại dịch hiện nay, các quốc gia đua nhau mua thiết bị bảo vệ cá nhân khan hiếm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt toàn cầu và tăng giá.

Mặc dù sẽ không thể ngăn cản các quốc gia giàu, nhưng các nhà tài trợ quốc tế, bao gồm cả các ngân hàng phát triển, nên xem xét việc cho phép vay và tài trợ cho các nước nghèo để mua vaccine.

Nguồn: Theguardian.com, Nature