Vượt ra bên ngoài biên giới văn chương, Tự Lực văn đoàn hiện diện như một nhóm phái có tư tưởng xã hội, hoạt động tích cực và tạo ảnh hưởng rộng rãi tới đời sống văn hóa - xã hội - chính trị ở Việt Nam lúc đương thời và về cả sau này.
Tự Lực văn đoàn là một nhóm trí thức và văn chương quan trọng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Tuy vậy, sau 1945, do định kiến ý thức hệ, văn chương Tự Lực văn đoàn bị cấm cản ở miền Bắc, còn các nghiên cứu thì chủ yếu tập trung phê phán lập trường trí thức tiểu tư sản của các thành viên.
Nghiên cứu về Tự Lực văn đoàn chỉ mới được chú ý trở lại từ Đổi Mới (1986), khi văn đoàn này cùng các trào lưu rộng hơn được định danh là văn học lãng mạn (tiểu tư sản) và Thơ Mới, thoát khỏi bị dán nhãn “sách cấm”.
Trong bối cảnh tái nhận thức ấy, nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn từng đánh giá: “Tự Lực văn đoàn không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại”(1). Tuy vậy, nhận định của Hoàng Xuân Hãn hay các nghiên cứu về sau thường mới chỉ dành sự chú trọng tới hoạt động văn chương của Tự Lực văn đoàn. Sự quan tâm này đúng nhưng là chưa đủ để hình dung một cách chân thực về Tự Lực văn đoàn.
Quan niệm rằng “vượt ra bên ngoài biên giới văn chương, Tự Lực văn đoàn hiện diện như một nhóm phái có tư tưởng xã hội, hoạt động tích cực và tạo ảnh hưởng rộng rãi tới đời sống văn hóa - xã hội - chính trị ở Việt Nam lúc đương thời và về cả sau này”, các tác giả của chuyên khảo Phong Hóa thời hiện đại ~ Tự Lực văn đoàn trong tình thế thuộc địa ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 (2) đã tập trung nghiên cứu Tự Lực văn đoàn không chỉ ở các hoạt động văn chương mà còn mở ra các hoạt động xã hội của nhóm. Đây là một bổ khuyết cần thiết để tái hình dung về Tự Lực văn đoàn gần nhất với bản lai diện mục của họ.
Chuyên khảo tập hợp năm tiểu luận – bốn trong số đó tập trung khảo sát thời điểm nhóm chủ trương và điều hành tờ tuần báo Phong Hóa (1932-1936) và một tìm hiểu về các hoạt động chính trị - xã hội của Tự Lực văn đoàn những năm họ tổ chức Hội Ánh Sáng (1936-1941), một đoàn thể dân sự đặt mục tiêu vào việc thay đổi nhận thức về không gian cư trú của người dân và đề xuất các mô hình cải cách nhà ở được họ thể nghiệm tại Hà Nội.
Ngoài việc nhấn mạnh tư tưởng xã hội và ý thức tham dự vào các hoạt động cải cách xã hội của Tự Lực văn đoàn, các tiểu luận còn cho thấy sự thống nhất trong cách thức nghiên cứu, khi đều “chú trọng sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành để tiếp cận báo chí, văn chương và các hoạt động xã hội của Tự Lực văn đoàn”. Đây là một lối tiếp cận cần thiết để có thể tìm hiểu một đối tượng có những biểu hiện đa dạng, phức tạp như Tự Lực văn đoàn.
Tiểu luận đầu tiên của Đoàn Ánh Dương – “Văn chương (và) kiến tạo xã hội: Một chặng đường ‘phong hóa’ của Tự Lực văn đoàn” – cung cấp một cái nhìn hệ thống và chi tiết về “khởi điểm”, việc “lựa chọn tiếng nói và thế hệ”, “báo chí văn chương và lý tưởng cải cách” của nhóm ở giai đoạn đầu.
Các tiểu luận tiếp sau tập trung vào những bình diện cụ thể trong hoạt động báo chí, văn chương và xã hội của Tự Lực văn đoàn.
Tiểu luận của Phùng Kiên – “Tự Lực văn đoàn và chuẩn mực thẩm mỹ mới: tìm kiếm tự chủ văn chương qua hoạt động báo chí” – chọn tiếp cận từ góc nhìn xã hội học văn học, cho thấy những chiến lược được Tự Lực văn đoàn thực hiện nhằm “chiếm lĩnh những chuẩn mực thẩm mỹ mới của trường văn học” đang trên đà trưởng thành ở Việt Nam lúc này. Xuất phát từ báo chí, Tự Lực văn đoàn đã chú ý vào “những phát minh đời sống thị dân trên báo chí”, bằng việc quan tâm tới tính chất “cá nhân đại chúng” và “chiều kích giải trí” của “lớp độc giả mới” đang ngày càng trở nên đông đảo ở các đô thị. Từ báo chí đến văn chương, Tự Lực văn đoàn đã chú trọng “thị hiếu” này, để trước hết, mang đến “những bức tranh mới” qua văn học và sau đó, “bức tranh văn học mới” với sự nổi lên của con người cá nhân và ý thức về cái tôi cá thể.
Nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Tiến – “Tự Lực văn đoàn đối diện với xã hội nông thôn: phân tích lập trường Phong Hóa” – tập trung khảo sát các quan niệm, các chương trình nghị sự của Tự Lực văn đoàn hướng về thôn dân và thôn quê. Tiểu luận làm nổi bật quan niệm về dân quê của Tự Lực văn đoàn qua việc nghiên cứu cách thức họ thể hiện các nhân vật hoạt kê kinh điển Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh. Từ đó, cùng với các bài nghị luận trên tuần báo Phong Hóa, xem xét các nhận thức và hành động cải cách văn minh vật chất và tinh thần người dân quê của Tự Lực văn đoàn, một hoạt động đáng được xem xét như là cuộc “cách mạng sinh hoạt thường ngày” của người dân quê dù được dẫn dắt bởi các trí thức Tây học ở đô thị.
Tiểu luận của Mai Anh Tuấn – “Văn chương và luật pháp: một cách nhìn đô thị hiện đại của Tự Lực văn đoàn” – kết hợp các mối quan tâm về đời sống đô thị hiện đại, vấn đề giới nữ và tinh thần luật pháp. Bằng việc khảo sát chuyên mục “Trước vành móng ngựa” của Hoàng Đạo và tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, nghiên cứu cho thấy nỗ lực của Tự Lực văn đoàn trong việc phổ biến và trưng dụng luật pháp cho những nhận thức và trải nghiệm mô hình xã hội mới: xã hội thị dân/ dân sự.
Cuối cùng, nghiên cứu của Martina – “Nhà nước thuộc địa Pháp, xã hội dân sự Việt Nam: Hội Ánh Sáng và cải cách nhà ở tại Hà Nội, 1937-1941” – tập trung vào một tổ chức thành viên mang tính chuyên biệt của Tự Lực văn đoàn. Nghiên cứu cho thấy việc tổ chức và duy trì Hội Ánh Sáng là hoạt động xã hội tiêu biểu của Tự Lực văn đoàn, một “nỗ lực đáng kể đầu tiên nhằm xây dựng các tổ chức của xã hội dân sự ở Việt Nam”. Bằng các cứ liệu chính xác thu thập từ báo chí và các kho lưu trữ, nghiên cứu cũng “minh oan” cho Tự Lực văn đoàn, trả lại sự thực rằng Hội Ánh Sáng đã không nhận kinh phí từ chính quyền thực dân như báo chí đương thời vu khống hay các nghiên cứu về sau quy chụp.
Tóm lại, thống nhất trong quan niệm và phương pháp làm việc, các tác giả của chuyên khảo Phong Hóa thời hiện đại ~ Tự Lực văn đoàn trong tình thế thuộc địa ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 đã đưa đến những nhận định, đánh giá khách quan, dựa trên việc bao quát không gian văn hóa xã hội và những dữ liệu chính xác về Tự Lực văn đoàn.
Việc chuyên khảo mới chỉ chủ yếu dừng lại ở việc tìm hiểu về giai đoạn đầu tiên của Tự Lực văn đoàn – giai đoạn họ điều hành tuần báo Phong Hóa (1932-1936) – có thể làm cho bạn đọc hụt hẫng khi không được cung cấp các thông tin và nhận định về giai đoạn sau của Tự Lực văn đoàn, khi họ điều hành tuần báo Ngày Nay (1935-1940) cùng các hoạt động văn chương, xã hội và chính trị còn nhiều khuất lấp. Tuy vậy, với mở đầu đầy hăm hở này, có thể những khuyết thiếu nghiên cứu ở giai đoạn sau của Tự Lực văn đoàn sẽ tạo thêm động lực và trách nhiệm cho các tác giả bắt tay vào thực hiện tiếp một công trình khác.
Chúng ta sắp sửa kỷ niệm 90 năm thành lập Tự Lực văn đoàn (1932-2022), rất có thể đó là thời điểm cần thiết cho sự hiện diện một công trình nghiên cứu đầy đủ, trung thực và khoa học về nhóm trí thức và văn chương quan trọng với những ảnh hưởng sâu rộng này.
(1) Hoàng Xuân Hãn. “Chuyện trò với Hoàng Xuân Hãn” (Đỗ Hữu Thạch dịch; NKĐ hiệu đính), Sông Hương, số 37 (4/1989); bản điện tử đọc tại: http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c335/n21182/Chuyen-tro-voi-Hoang-Xuan-Han.html (8/10/2015).
(2) Đoàn Ánh Dương, Phùng Kiên, Nguyễn Mạnh Tiến, Mai Anh Tuấn, Martina Thucnhi Nguyễn. Phong Hóa thời hiện đại ~ Tự Lực văn đoàn trong tình thế thuộc địa ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tao Đàn và Nxb Hội Nhà văn, 2020. Các trích dẫn trong bài viết đều theo sách này.