"Vùng chết" tức những mảng đại dương có nồng độ oxy thấp, sinh vật không sống nổi đã lan rộng gấp 10 lần trong suốt 5 thập kỷ qua.

Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science cho thấy nhiều vùng biển trên thế giới đang rơi vào tình trạng đáng báo động, không còn một sinh vật nào sống nổi.

Theo các đo đạc, trong vòng nửa thế kỷ qua, các đại dương đã mất khoảng 2% tổng lượng oxy hòa tan. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của các sinh vật biển.

Những vùng chết (đánh dấu bằng màu đỏ hoặc xanh) đang lan rộng trên khắp đại dương (màu đỏ: khu vực duyên hải; màu xanh: ngoài khơi) - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Những vùng chết (đánh dấu bằng màu đỏ hoặc xanh) đang lan rộng trên khắp đại dương (màu đỏ: khu vực duyên hải; màu xanh: ngoài khơi) - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Con số 2% đó tương đương việc tổng thể tích nước biển không có oxy đã tăng gấp 4 lần cũng như các vùng chết có nồng độ oxy thấp, không bảo đảm cho cuộc sống tăng gấp 10 lần.

Nghiên cứu trên được thực hiện bởi nhóm khoa học đến từ GO2NE – Mạng lưới Oxy đại dương, một nhóm công tác đặc biệt do Liên Hiệp Quốc thành lập. Theo đánh giá của Tiến sĩ Denise Breitburg, nhà sinh thái biển thuộc Trung tâm Nghiên cứu môi trường Smithsonian (Mỹ), sự suy giảm oxy trong đại dương là một trong số những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của hoạt động con người đối với môi trường sống trái đất.

Nguyên nhân chính xuất hiện những vùng chết là ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Ô nhiễm là một trong các nguyên nhân khiến vùng chết lan rộng. Trong ảnh: biển Caribean ngập chìm trong rác thải - ảnh: INDEPENDENT
Ô nhiễm là một trong các nguyên nhân khiến vùng chết lan rộng. Trong ảnh: biển Caribean ngập chìm trong rác thải - ảnh: INDEPENDENT

Tuy nhiên, dù các con số thực sự nghiêm trọng, chúng ta vẫn có cách để giải quyết nó. Ví dụ, một nỗ lực đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt hơn ở vịnh Chesapeake (Mỹ) đã giúp tượng oxy trong nước biển khu vực này tăng lên đáng kể. Tất nhiên, chỉ một địa phương làm thì không thể đủ để cứu lấy đại dương. Các nhà khoa học đưa ra lời kêu gọi nỗ lực toàn cầu để giải quyết vấn đề cấp bách này.