Với giá bán trong nước hơn một triệu đồng mỗi kg, còn xuất khẩu lên tới 3 triệu đồng, tỏi đen cô đơn đang thu hút khá nhiều hộ kinh doanh, công ty và các trung tâm nghiên cứu nhảy vào sản xuất.
Anh Cao Quốc Vinh, chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng tỏi đen đầu tiên ở Việt Nam cho biết, sau khi đầu tư 80.000 USD để mua công nghệ chuyên sản xuất tỏi đen nhiều tép vào năm 2009 và khá thành công, nhưng dần dà về sau khách hàng ít ưa chuộng loại này nên anh quyết định chuyển hẳn sang sản xuất tỏi đen cô đơn (tỏi một tép). Anh lựa chọn và ký hợp đồng thu mua ở một số tỉnh miền Trung và phía Bắc có nguồn tỏi ổn định, chất lượng.
Anh Vinh cho hay, sản xuất tỏi đen cô đơn phức tạp hơn nhiều so với tỏi nhiều tép cả về thời gian cũng như quy trình. Thời gian đầu thử nghiệm, anh “bê” nguyên công thức làm tỏi nhiều tép vào áp dụng khiến sản phẩm phải đổ bỏ. Sau thất bại, anh bắt đầu điều chỉnh và thử nghiệm nhiều lần để rút ra công thức riêng làm tỏi cô đơn.
|
Tỏi đen cô đơn đang được coi là "thần dược" trong phòng chống ung thư. Ảnh: MH.
|
“Đối với tỏi cô đơn, kết cấu của sản phẩm này chắc, hàm lượng nước ít nên thời gian lên men phải lâu hơn, nhiệt độ ở mức vừa phải. Nếu tỏi nhiều tép lên men 45 ngày thì tỏi cô đơn phải lên men ít nhất trên 60 ngày. Riêng khách hàng Nhật Bản và Mỹ khá khó tính, họ luôn đòi hỏi thời gian lên men tới 90 ngày”, anh Vinh chia sẻ.
Nhờ sản phẩm làm ra chất lượng, anh Vinh xuất được sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Mỹ với giá trên 3 triệu đồng một kg. 8 tháng đầu năm nay anh đã xuất sang 3 thị trường này 1,5 tấn. Hiện, một đối tác nước ngoài đang có ý định đặt hàng 4 tấn cho cuối năm.
Riêng về thị trường trong nước, anh Vinh có 2 hệ thống phân phối tại Hà Nội. Ngoài ra, sản phẩm của anh cũng vừa được bán trong vài siêu thị với giá trên 1,7 triệu đồng một kg. "Hết tháng 8, tôi đã bán ra thị trường trong nước và nước ngoài khoảng 15 tấn, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái", anh cho biết.
Nguyễn Văn Định, người gắn liền với việc xây dựng thương hiệu tỏi Lý Sơn cũng vừa cùng đối tác nhập công nghệ về chế biến cả sản phẩm tỏi đen Lý Sơn nhiều nhánh lẫn một nhánh. Hiện sản phẩm tỏi đen nhiều nhánh của anh Định được một siêu thị nước ngoài tại TP HCM đặt hàng với giá bán ra là 950.500 đồng một kg, còn tỏi đen cô đơn có giá 1,9 triệu.
"Sở dĩ tỏi đen một tép Lý Sơn có giá bán cao là do nguồn tỏi tự nhiên hiếm, quy trình chế biến cũng phức tạp và khó khăn hơn tỏi nhiều tép", anh Định nói và cho biết hiện mỗi tháng làm ra 250kg tỏi đen.
Không chỉ các cá nhân chen chân vào làm tỏi đen cô đơn mà ngay cả trường đại học, các trung tâm nghiên cứu về dinh dưỡng cũng tranh thủ nghiên cứu sản xuất và thương mại hóa sản phẩm này ra thị trường.
Tại cơ sở Linh Chi Nông Lâm, thành viên Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Đại học Nông Lâm TP HCM) cũng đã nghiên cứu và sản xuất ra tỏi đen cô đơn mang thương hiệu Nông Lâm, bán với giá 2,3 triệu đồng một kg.
Theo đơn vị này, sản phẩm được lên men từ tỏi cô đơn Lý Sơn trong thời gian 45 ngày, có màu đen, vị ngọt, không còn mùi cay hăng của tỏi thường và có tác dụng gấp nhiều lần tỏi thường.
Trao đổi với VnExpress, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học Đại học Nông Lâm Trần Đình Đôn cho biết, việc nghiên cứu sản phẩm tỏi đen, bao gồm cả tỏi đen cô đơn được khá nhiều sinh viên trong trường chọn làm đề tài ngay từ khi còn là sinh viên năm ba. Hiện, sản phẩm tỏi đen Nông Lâm được một thành viên của Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ kết hợp với Khoa Khoa học của trường phát triển. Tuy nhiên, khi thương mại hóa sản phẩm này, sức tiêu thụ còn khá chậm.
Ngoài Đại học Nông Lâm, Trung tâm Nghiên cứu thực phẩm và dinh dưỡng tại TP HCM cũng đang phân phối sản phẩm này ở khá nhiều tỉnh thành trong nước với giá dao động 1 - 1,7 triệu đồng một kg (tùy loại). Đồng thời, xuất khẩu sang các thị trường khó tính với giá cao gấp đôi thị trường nội địa.
Bên cạnh các cá nhân, trung tâm trường học sản xuất tỏi đen thì hiện nay có khá nhiều hộ gia đình tự chế biến tỏi đen bằng nồi cơm điện. Thời gian lên men chỉ sau 25-30 ngày là dùng được thay vì đúng quy trình là từ 60 đến 65 ngày. Để rút ngắn thời gian, nhiều người chọn dùng tỏi nhiều tép thay vì tỏi cô đơn để rút ngắn thời gian lên men.
Đánh giá về trào lưu trên, một nhà nghiên cứu và sản xuất tỏi đen tại TP HCM cho hay, không phải sản phẩm tỏi đen nào bán ra thị trường cũng đạt chất lượng. Nhiều sản phẩm làm không đúng quy trình, nhiệt độ và độ ẩm cũng vẫn khiến tỏi chuyển sang màu đen, tuy nhiên hàm lượng dưỡng chất tốt cho sức khỏe chứa trong sản phẩm mới là điều quan trọng.
“Nếu mua sản phẩm để về chữa bệnh, người dùng cần hỏi người bán về hàm lượng chất S-ally cysteine chứa trong tỏi. Một sản phẩm tối ưu nhất là có chứa 850miligram S-ally cysteine trên 100gram tỏi”, ông cho hay.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết, hiện sản lượng tỏi cô đơn Lý Sơn khá hiếm, giá cao, có lúc lên tới 1,2 triệu đồng một kg, lại rất khó chế biến, thế nhưng, trên thị trường nhiều cơ sở vẫn gắn mác thương hiệu này vào sản phẩm đễ dễ bán hàng. Do vậy, khi mua người dùng cần xem xét kỹ lượng và lựa chọn cơ sở uy tín để có hàng chất lượng.
Theo các chuyên gia y tế,tỏi đen có hiệu lực mạnh kháng lại các tế bào khối u,giúp máu lưu thông, thúc đẩy tuần hoàn máu, oxy và dưỡng chất được cung cấp đến khắp cơ thể, giảm cảm giác ê ẩm, cơn đau. Các hoạt chất trong tỏi đen có tác dụng chống đông máu, ngăn không cho các tiểu cầu đóng thành cục, giảm chứng cao huyết áp, thiếu máu não và tim mạch.
Ngoài ra, tỏi đen còn giúp phụ nữ cải thiện làn da, bảo vệ gan, chống các bệnh đường hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch... |