Các vùng nhiệt đới đã mất 12,2 triệu ha cây che phủ vào năm 2020, tăng 12% so với năm 2019.
Theo dữ liệu từ Đại học Maryland và nền tảng giám sát rừng Global Forest Watch, mức thiệt hại này cao hơn nhiều so với mức trung bình trong 20 năm qua và cao thứ ba kể từ năm 2002 trở lại đây.
Thiệt hại rừng đặc biệt nghiêm trọng ở các khu rừng nguyên sinh nhiệt đới ẩm như Amazon, Congo và Đông Nam Á. Những khu rừng này rất quan trọng vì chúng đóng vai trò là bể chứa carbon, điều hòa khí hậu toàn cầu, và là môi trường không thể thay thế đối với các hệ sinh thái. Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), chỉ riêng thiệt hại với rừng nguyên sinh nhiệt đới ẩm đã lên tới 4,2 triệu hecta, thải ra lượng khí thải carbon dioxide khi cây chết tương đương với lượng khí thải hàng năm của hơn 575 triệu xe ô tô.
Khói bốc lên từ một đám cháy trong rừng nhiệt đới Amazon ở Oiapoque, bang Amapa, Brazil, vào tháng 10 năm ngoái.
Rừng của Brazil bị thiệt hại nhiều nhất, với 1,7 triệu ha bị phá hủy, tăng khoảng 25% so với năm trước. Hỏa hoạn quét qua Amazon với tốc độ lớn hơn năm trước, bất chấp việc chính phủ áp đặt lệnh cấm sử dụng lửa để phát quang cây cối và triển khai binh sĩ để hạn chế hoạt động này.
Các nước giàu hơn không tránh khỏi tình trạng mất rừng. Ở Đức, mất rừng
năm 2020 tăng gấp ba lần so với năm 2018, phần lớn là do thiệt hại do bọ
vỏ cây gây ra - loài bọ này ăn thịt cây, đặc biệt trong bối cảnh cây dễ
bị tổn thương do thời tiết khô nóng.
Theo Rod Taylor, giám đốc chương trình rừng tại WRI, đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa trên khắp thế giới không có tác động rõ ràng đến việc mất rừng. “Dữ liệu không cho thấy sự thay đổi có tính hệ thống nào", ông nói. Tuy nhiên, đã có một số bằng chứng về việc người dân buộc phải quay trở lại các vùng nông thôn do phong tỏa và tình hình kinh tế ngày càng xấu đi ở các thành phố, và điều này có thể có tác động lớn hơn đến rừng trong tương lai, Taylor nhận định.
Ngoài ra, Seymour cho biết các quốc gia đang bị suy thoái kinh tế từ đại dịch có thể cảm thấy nên ưu tiên lợi ích thương mại và khai thác rừng một cách không bền vững, hoặc có thể cắt giảm ngân sách bảo vệ rừng: “Trừ khi chúng ta đưa ra các giải pháp thay thế, nhiều khả năng các chính phủ sẽ cố gắng phục hồi dựa trên khai thác rừng, đặc biệt là các chính phủ đang phải đối mặt với mức nợ cao”.
Seymour chỉ ra rằng nếu có các chính sách mạnh mẽ đi kèm với nguồn tài chính cần thiết, các quốc gia có thể giảm tỷ lệ mất rừng.
Nạn phá rừng đang giảm ở Indonesia, quốc gia lần đầu tiên lọt khỏi danh sách ba quốc gia hàng đầu về mất rừng nguyên sinh của WRI. Tình trạng mất rừng ở Indonesia vào năm 2020 đã giảm năm thứ tư liên tiếp. Tại đỉnh điểm vào năm 2016, sau khi các vụ cháy tàn phá rừng, chính phủ nước này đã cấm chặt rừng nguyên sinh, cấm chuyển đất rừng sang đất nông nghiệp, đồng thời hạn chế cấp phép cho các đồn điền dầu cọ mới.
Malaysia, quốc gia đã mất khoảng một phần ba diện tích rừng nguyên sinh kể từ những năm 1970, gần đây cũng thành công trong việc giảm nạn phá rừng, với các luật cứng rắn hơn để chống lại khai thác gỗ trái phép.
Nguồn: