Theo nghiên cứu mới nhất, Proxima b - hành tinh được mệnh danh là "Trái đất thứ 2" có thể sở hữu một đại dương khổng lồ.
Như chúng ta đã biết thì ESO (Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu) hồi tháng 8/2016 đã xác nhận sự tồn tại của một tinh cầu được mệnh danh là "Trái đất thứ 2" ở cực kỳ gần chúng ta- chỉ 4,5 năm ánh sáng. Hành tinh đó mang tên Proxima b.
Sở dĩ có cái tên "Trái đất thứ 2" là vì hành tinh này xoay quanh một ngôi sao chủ - Proxima Centauri (Cận tinh) với khoảng cách vừa đủ để duy trì nước dạng lỏng - điều kiện tiên quyết để duy trì sự sống.
Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, việc Proxima b có nước thật sự hay không thì... chưa rõ. Và nay, một nghiên cứu đã lên tiếng xác nhận danh hiệu "Trái đất thứ 2" không phải là danh bất hư truyền. Bởi vì, hành tinh này có cả một đại dương giống như Trái đất của chúng ta.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu do các nhà thiên văn thuộc Phòng thí nghiệm vật lý thiên văn Marseille (CNRS) đã quyết định kiểm chứng thông tin Proxima b thực sự có nước. Họ tính toán lượng ánh sáng hành tinh này chặn lại khi đi qua ngôi sao chủ của nó, sau đó ước lượng thành phần và bán kính của hành tinh.
Proxima B rất có thể chứa một đại dương khổng lồ
Kết quả, Proxima b có bán kính rơi vào khoảng 0,94-1,4 lần Trái đất, tức tối thiểu đạt 6371 km bán kính. Điều này chứng tỏ, Proxima b có bề mặt rắn, dày đặc. Trong đó, 1/2 khối lượng của hành tinh có thể là nước. "Proxima b có thể được bao phủ bởi 1 đại dương sâu 200km" - CNRS cho biết.
Các chuyên gia cũng chia sẻ thêm: "Dù thế nào đi nữa, Proxima b sẽ được bao phủ bởi một bầu khí quyển mỏng giống như Trái đất, càng dấy thêm hy vọng duy trì sự sống của hành tinh này".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chíAstrophysical Journal Letters.
Theo Tri Thức Trẻ